An Giang đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Với tính lan tỏa cao, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng thu hút, hấp dẫn các chủ thể kinh tế tham gia. Từ sản phẩm bản địa, sản phẩm truyền thống ở làng quê, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), qua gắn nhãn OCOP, tất cả vươn xa hơn về thực tế địa lý và giá trị mang lại.
Nâng tầm đặc sản Khmer
Cây thốt nốt là biểu tượng của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi. Sức chống chịu của loài cây có tuổi thọ trăm năm này cũng giống như tính cách kiên cường, không quản ngại khó khăn của bà con DTTS Khmer nơi đây. Trên vùng đất khô cằn, nắng gió, cây vẫn vươn mình mạnh mẽ, cho ra dòng nước thốt nốt mát lành, thơm ngọt trứ danh.
Chính hương vị đặc trưng của nước thốt nốt, đặc biệt là sản phẩm đường thốt nốt (cô đặc từ nước thốt nốt) là nguồn cảm hứng thu hút cô gái trẻ DTTS Khmer Chau Ngọc Dịu bỏ công việc ổn định, thu nhập cao ở xứ phồn hoa TP. Hồ Chí Minh, về quê cùng bạn thành lập Công ty Cổ phần Palmania (đường Võ Thị Sáu, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn), liên kết với bà con DTTS Khmer nâng cao giá trị loài cây đặc sản. Nhờ những nỗ lực không ngừng, từ nhà xưởng ban đầu chỉ 60m2, nay chị mở rộng sản xuất lên gấp 4 lần.
“Mục tiêu của công ty là xây dựng chuỗi liên kết giá trị bền vững với bà con trồng thốt nốt. Chúng tôi thường xuyên đào tạo nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ. Công ty chú trọng nâng chất bao bì, hoàn chỉnh 3 dòng sản phẩm chủ lực: Đường thốt nốt dạng sệt, đường thốt nốt dạng hạt và đường thốt nốt dạng bột, sản xuất theo hướng hoàn toàn tự nhiên, ứng dụng công nghệ. Đồng thời, nghiên cứu thêm sản phẩm siro thốt nốt và nước thốt nốt đóng lon” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania Chau Ngọc Dịu thông tin.
Đánh giá sản phẩm OCOP
Nữ doanh nhân trẻ càng tự hào hơn khi Palmania vừa đạt hồ sơ chứng nhận organic từ Hoa Kỳ và Châu Âu. Đây là cơ hội để các sản phẩm thốt nốt xâm nhập vào thị trường cao cấp, phù hợp dòng xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ của thế giới.
“Để đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ thốt nốt là cả một hành trình gian khổ, bởi vùng nguyên liệu cây thốt nốt trồng rải rác, nông dân chưa có thói quen ghi lại quá trình trồng. Chứng nhận organic là viên gạch đầu tiên để sản phẩm thốt nốt được vinh danh trên thế giới. Đây là món quà tự nhiên, gắn với sinh kế, văn hóa bản địa, là niềm tự hào của đồng bào DTTS Khmer” - Chau Ngọc Dịu nhấn mạnh.
Hỗ trợ phát triển
Giờ đây, sản phẩm thốt nốt Palmania khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Công ty xây dựng hệ thống phân phối nhiều tỉnh, thành phố, hàng chục điểm bán hàng trên cả nước. Sản phẩm được bày bán tại cửa hàng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch và siêu thị ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... và các sàn thương mại điện tử uy tín.
“Mong muốn tiếp theo của công ty là giữ gìn, phát huy thêm giá trị gia tăng từ cây thốt nốt, với dự án dài hơi hơn. Cùng với sản phẩm thốt nốt, chúng tôi sẽ liên kết nông dân DTTS Khmer canh tác lúa ruộng trên chuyển hướng sản xuất lúa hữu cơ, làm thành món quà du lịch hấp dẫn. Vùng lúa hữu cơ sẽ đảm bảo an toàn cho vùng thốt nốt hữu cơ xung quanh. Công ty đang phối hợp thành lập hợp tác xã trong vùng nguyên liệu để liên kết bền vững hơn, tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho bà con” - Chau Ngọc Dịu khẳng định.
Tâm huyết của cô gái trẻ đang được các sở, ngành tỉnh, địa phương ủng hộ. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, với số cây thốt nốt đang khai thác được, sản lượng nước thốt nốt của Tri Tôn hiện đạt khoảng 27 tấn/năm, tuy không lớn nhưng mang lại giá trị cao.
“Thốt nốt nằm trên vùng ruộng trên, trong vùng sản xuất lúa, màu phụ thuộc vào mùa mưa, canh tác tự nhiên nên thuận tiện sản xuất hữu cơ. Phòng NN&PTNT cùng các ngành huyện đang tìm kiếm, hỗ trợ Công ty Cổ phần Palmania thuê mặt bằng rộng 1 - 2ha để mở nhà xưởng lớn hơn, ứng dụng công nghệ cao; tập huấn nông dân sản xuất lúa sạch để đảm bảo cho vùng nguyên liệu thốt nốt hữu cơ; vận động thành lập hợp tác xã để hợp tác với doanh nghiệp mở rộng diện tích, sản xuất bền vững” - ông Nguyễn Văn Văn thông tin.
Trong buổi họp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh mới đây, 3 sản phẩm đường thốt nốt dạng sệt Palmania, đường thốt nốt dạng hạt Palmania và đường thốt nốt dạng bột Palmania được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh chấm trung bình 92,8 điểm/sản phẩm, đủ tiêu chuẩn đạt OCOP 5 sao - cấp quốc gia. Hội đồng OCOP sẽ báo cáo UBND tỉnh An Giang để gửi hồ sơ cho Bộ NN&PTNT, đề nghị đánh giá công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
“Đây là sản phẩm truyền thống độc đáo của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi An Giang, được Công ty Cổ phần Palmania đầu tư tâm huyết, rất cần được khuyến khích, hỗ trợ phát triển” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp (Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP tỉnh) đánh giá.
Bên cạnh sản phẩm thốt nốt Palmania, ở đợt đánh giá này, sản phẩm bánh hạnh nhân của Công ty TNHH SX - TM Tiến Anh (ấp Thị 2, thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới) và sản phẩm thốt nốt đóng lon của Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) được chấm điểm đạt sản phẩm OCOP 4 sao, kèm theo đánh giá “còn nhiều tiềm năng phát triển”.
Trong các kỳ hội chợ, triển lãm, sản phẩm đường thốt của vùng Bảy Núi An Giang luôn được khách hàng ưa chuộng, thường “cháy hàng” chỉ sau thời gian ngắn trưng bày. Sản phẩm có sức hút rất lớn, tiềm năng vươn xa khi được hỗ trợ xứng tầm” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu nhấn mạnh