Ba khía Đầm Dơi: Thương hiệu từ tình yêu quê hương của vợ chồng chàng kỹ sư thủy sản

Chia sẻ:

Xuất phát từ tình yêu quê hương, chàng kỹ sư thủy sản Nguyễn Văn Miên cùng vợ Trần Thị Xa từng bước xây dựng thương hiệu Ba khía Đầm Dơi đạt chuẩn OCOP 3 sao duy nhất của tỉnh Cà Mau.

Bỏ phố về bán ba khía

Xuất phát từ tình yêu quê hương, sau khi tốt nghiệp đại học năm 2013, chị Trần Thị Xa (hiện là Giám đốc Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi) cùng chồng là kỹ sư thủy sản Nguyễn Văn Miên tình nguyện đi theo đề án tuyển chọn trí thức trẻ về nông thôn để góp sức tham gia phát triển kinh tế - xã hội phục vụ địa phương.

m

Keo ba khía được sản xuất chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau 5 năm gắn bó đề án này kết thúc. Khi đó, trong suy nghĩ của đôi vợ chồng trẻ đã “nảy mầm” ý tưởng lựa chọn sản vật quê hương để khởi nghiệp. Rồi họ quyết định lựa chọn con ba khía (một loài giáp xác thuộc họ cua), sản vật tiềm năng nhưng chưa được khai thác, phát huy hết hiệu quả ở địa phương làm mặt hàng chủ lực để kinh doanh.

Năm 2017, cơ sở kinh doanh (nay là hợp tác xã) Ba khía Đầm Dơi được hình thành, chị Xa chia sẻ, ban đầu, vợ chồng chị làm nhỏ lẻ, chủ yếu là thủ công. Giai đoạn đầu khi chân ướt chân ráo khởi nghiệp thật gian nan, vợ chồng anh chị phải làm tất cả các việc từ thu mua đến chế biến, đem bán từng keo ba khía.

Theo chị Xa, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, khi bước chân vào kinh doanh, chị xác định phải làm bằng cái tâm để chứng minh chất lượng sản phẩm. Còn thành bại là do cái duyên kinh doanh, với vợ chồng chị để thành công, yếu tố tự tin là tiên quyết, nếu chưa làm mà sợ rủi ro là coi như thất bại. Bởi khi đó, đâu ai biết tới mình, phải giới thiệu, quảng bá thì người ta mới biết. Dần dà, khi sản phẩm keo ba khía đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường, nên lượng khách đặt hàng ngày một nhiều hơn.

“Gian nan lắm, không phải mình có con ba khía đem muối rồi xách đi bán là được đâu. Mình vừa mang sản phẩm đi bán, vừa học hỏi cách làm kinh doanh, marketing, quản trị… như thế nào. Từ đó, mới phát triển được sản phẩm”, chị Xa tâm tình.

Chị Xa cho biết thêm, ban đầu, hợp tác xã chỉ có sản phẩm ba khía muối nguyên con, rồi có thêm ba khía trộn vị mặn và chua ngọt để phù hợp khẩu vị các vùng miền. Nhằm nâng cao giá trị của ba khía, hợp tác xã còn cho ra mắt thêm sản phẩm mới sau một năm nghiên cứu là ba khía muối nước mắm nhĩ, ủ theo công thức độc quyền của Ba khía Đầm Dơi.

Thấy vẫn chưa tận dụng hết nguồn ba khía địa phương, vợ chồng chị chế thêm sản phẩm mới mẻ, đầy tiềm năng là riêu ba khía để cạnh tranh trực tiếp với riêu cua, và thị trường họ tiếp cận đầu tiên là Hà Nội vì sử dụng riêu cua nhiều.

"Khi đưa ra các hội chợ cũng như được tỉnh đưa đi xúc tiến bán trải nghiệm thì nhiều khách hàng cũng nói cái này khác với cua đồng, họ rất thích", chị Xa nói.

Năm 2020, dự án “Ba khía Đầm Dơi - xây dựng thương hiệu sản phẩm quê hương” của chị Trần Thị Xa đã xuất sắc vượt qua 476 dự án khác và đạt giải Nhất cuộc thi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP Cần Thơ và Mạng lưới khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức.

Ngoài ra, sản phẩm cũng đạt chuẩn OCOP 3 sao duy nhất của tỉnh Cà Mau trong nghề muối ba khía. Đồng thời, sản phẩm ba khía muối của Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi còn được Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương công nhận vào top 200 sản phẩm nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam 2022.

Nâng tầm sản vật quê hương

Từ việc chú trọng đến chất lượng, mẫu mã và vệ sinh an toàn thực phẩm họ đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát giới hạn các mối nguy hình thành trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm ). Vì thế, sản phẩm ba khía của vợ chồng chị Xa được nhiều thực khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

n

Nguồn nguyên liệu ba khía luôn tươi ngon, bảo đảm chất lượng.

 

Hiện, các sản phẩm của Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi có mặt nhiều nơi, từ bán sỉ nhỏ đến các nhà phân phối trên khắp tỉnh thành trong cả nước. Đồng thời, mở rộng sang Ðài Loan (Trung Quốc), Malaysia thông qua các trang mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Để kiểm soát chặt chẽ hơn trong vấn để an toàn thực phẩm đạt chứng nhận chứng chỉ ISO 9001 và tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chị Xa đang cho thiết kế mở rộng nhà xưởng, phát triển quy mô hơn.

Về thương hiệu Ba khía Đầm Dơi, trước đó ông Lê Minh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau từng đánh giá, Hợp tác xã Ba khía Ðầm Dơi là một trong những mô hình tiêu biểu của phong trào khởi nghiệp về đặc sản Cà Mau nói chung và huyện Đầm Dơi nói riêng. Hợp tác xã có nhiều sản phẩm OCOP sử dụng nguồn nguyên liệu trực tiếp trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, sau khi tham gia OCOP, sản lượng sản phẩm tăng từ 10 đến 15 tấn/năm lên từ 45 đến 50 tấn/năm, doanh thu hàng năm tăng từ 15% đến 30%.

Ngoài ra, Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi có tính sáng tạo và linh hoạt trong cách quảng bá hình ảnh sản phẩm. Đây là sản phẩm ba khía muối duy nhất đạt OCOP 3 sao của tỉnh Cà Mau.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, để nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP, trong năm vừa qua huyện Đầm Dơi phấn đấu có thêm 6 sản phẩm tham gia nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Trong đó, Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi có 4 sản phẩm tham gia nâng hạng như: ba khía muối, rêu ba khía, ba khía trộn sẵn và mắm tôm chua ngọt.

Được biết, Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động với mức lương dao động từ 6 - 7 triệu đồng/tháng và được đánh giá là một trong những hợp tác xã điển hình ở huyện Đầm Dơi trong việc giúp cho bà con địa phương giảm nghèo.