Bài toán định vị và nâng tầng sản phẩm OCOP - Kỳ 1

Chia sẻ:

Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2020. Sau 4 năm thực hiện, tỉnh từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng mang nét đặc trưng, lợi thế của tỉnh. Các sản phẩm không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy, nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, thực tế một số sản phẩm sau khi đạt chứng nhận vẫn chưa có sự phát triển đột phá, chưa khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Làm thế nào để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, có sức cạnh tranh trên thị trường đang là bài toán cần có lời giải.

KỲ 1: “BỆ PHÓNG” CHO SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP VƯƠN XA

Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, sau khi tỉnh triển khai Chương trình đã thổi một làn gió mới, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng, đặc thù ở các địa phương trong tỉnh, tạo “bệ phóng” cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vươn xa ra thị trường trong nước và khu vực.

Khơi dậy thế mạnh nông sản địa phương

Cao Bằng có nhiều dân tộc cùng sinh sống tạo ra sự phong phú, đa dạng về văn hóa cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo ra nhiều sản vật và sản phẩm truyền thống, đặc trưng cho mỗi một dân tộc, trong đó có lạc đỏ Thạch An; chè Đoỏng Pán, khoai lang tím Quảng Hòa; hồng ngâm, thạch đen Thạch An; lạp sườn Cao Bằng; miến dong Nguyên Bình; gạo nếp Ong Trùng Khánh, gạo nếp Pì Pất Hòa An; gạo nếp Hương Bảo Lạc; nếp Cẩm Bảo Lâm; lê vàng Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An; quýt Trà Lĩnh; lợn đen Táp Ná Hà Quảng…

Theo thống kê bước đầu, hiện tỉnh có 184 sản phẩm nông nghiệp lợi thế (lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ), thuộc 6 nhóm sản phẩm, gồm: thực phẩm 135 sản phẩm, nhóm đồ uống 11 sản phẩm, nhóm thảo dược 19 sản phẩm, nhóm vải và may mặc 3 chuỗi sản phẩm, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí 6 sản phẩm, nhóm dịch vụ - du lịch nông thôn 10 sản phẩm.

 

Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao và hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh và trong nước.

Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao và hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh và trong nước.

Cùng với những tiềm năng đó, tỉnh còn có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất nông sản đặc sản, có giá trị thương phẩm cao và thương hiệu riêng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Có hệ thống làng nghề truyền thống gắn với văn hóa và hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nông Thanh Mẫn khẳng định: Nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế, đặc biệt “gắn sao” cho nông sản bản địa để các sản phẩm nông nghiệp có thể vươn ra thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, không còn con đường nào khác ngoài việc xây dựng thương hiệu OCOP cho các sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình OCOP, tỉnh triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo triển khai hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh để đạt tiêu chí sản phẩm OCOP. Ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp Chương trình OCOP của Trung ương, tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ gián tiếp, như: Nghị quyết số 28/2018/NQ-HĐND, ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND, ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 48/2020/NQ-HĐND, ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị để các chủ thể xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Các cơ chế, chính sách cơ bản đáp ứng việc hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm OCOP đăng ký tham gia chương trình.

Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp

Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP có sự lan tỏa mạnh mẽ được triển khai đồng bộ, rộng khắp, các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai hiệu quả và thành công. Đến nay, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP, gồm: 13 sản phẩm OCOP 4 sao, 131 sản phẩm OCOP 3 sao thuộc 4 nhóm sản phẩm: 124 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 11 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 6 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, với 91 chủ thể, trong đó, 27 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác, 10 doanh nghiệp, 47 hộ sản xuất kinh doanh.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nông Chí Kiên cho biết: Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương. Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn được người tiêu dùng đánh giá cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ ra cả tỉnh và trong nước.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Sản phẩm OCOP được đánh giá xếp theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Từ chương trình này, hàng trăm sản phẩm nông nghiệp được nâng tầm, nhiều nông dân đã trở thành triệu phú.

Đến nay, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP thuộc 4 nhóm sản phẩm của 91 chủ thể.

Đến nay, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP thuộc 4 nhóm sản phẩm của 91 chủ thể.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Ba Sạch Hưng Đạo (Thành phố) Lại Đức Thứ, qua Chương trình OCOP, sản vật bản địa được nâng tầm giá trị. Hợp tác xã hiện có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao được cấp chứng nhận, năm 2023, qua hội đồng đánh giá của Thành phố, hợp tác xã có thêm 6 sản phẩm nữa được đánh giá, xếp hạng và đang chờ giấy chứng nhận. Sau khi các sản phẩm đạt 3 sao, người tiêu dùng tin tưởng hơn vào sản phẩm nên dễ bán hơn so với sản phẩm chưa có thương hiệu. Sản phẩm của cơ sở được nâng tầm cao hơn và tiếp cận nhiều thị trường, khách hàng tiêu thụ nhiều hơn so với các sản phẩm nông nghiệp thông thường. Các sản phẩm của hợp tác xã có mặt ở các siêu thị lớn, các nhà phân phối, được quảng bá và bán trên các sàn thương mại điện tử: Lazada, shoppee, postmart, voso… Với sản lượng tiêu thụ hằng năm hàng nghìn tấn nông sản, như: ngô ngọt huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Thạch An, Thành phố; đậu tương vàng bản địa huyện Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang, Hà Quảng; gạo nếp Pì pất, nếp Ong Thành phố, Trùng Khánh, Hòa An; lạc đỏ Thạch An, Hạ Lang, Hà Quảng…

Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đều nhận định, Chương trình OCOP thực sự tạo “cú hích” trong việc gia tăng giá trị nông sản, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Sản phẩm OCOP được định danh theo chuẩn quốc tế, cấp hạng theo bộ tiêu chí nghiêm ngặt nên giá trị mang lại cao hơn, được người tiêu dùng lựa chọn hơn so với nông sản thông thường. Chương trình góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP đang chịu sự cạnh tranh gắt gao từ các sản phẩm khác trên thị trường. Việc tạo được thương hiệu trên thị trường và làm thế nào giữ được sao và nâng hạng cho sản phẩm OCOP đang là điều trăn trở của các nhà quản lý, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp là vấn đề khiến cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP lúng túng khi tìm hướng đi cho sản phẩm của mình.