OCOP - Điểm nhấn của nông nghiệp, nông thôn Đắk Nông
Chương trình OCOP đã và đang tạo thêm những điểm nhấn mới, sinh động cho 'bức tranh' nông nghiệp, nông thôn Đắk Nông.
Nâng tầm sản phẩm chủ lực
Đắk Nông có thế mạnh về diện tích, sản lượng cà phê hàng đầu cà nước. Tỉnh hiên có 141.000ha cà phê, tăng 76.088ha, tương đương 2,2 lần so với năm 2004. Nhiều diện tích cà phê được canh tác theo các quy trình đạt chuẩn về nông nghiệp tốt.
Đắk Nông hiện có 141.000ha cà phê, cây trồng được nâng tầm nhờ OCOP
Nhận thức được điều này, cà phê là sản phẩm được các chủ thể lựa chọn tham gia chương trình OCOP nhiều nhất. Sau khi đạt chuẩn OCOP, các chủ thể không ngừng nâng cấp, tiếp tục phát triển các sản phẩm về chất lượng và mẫu mã, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Điển hình như đối với sản phẩm cà phê đạt OCOP 4 sao của Công ty TNHH MTV Bazan, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty, sản phẩm cà phê đạt chứng nhận OCOP là cà phê honey.
Đây là sản phẩm kết tinh của quy trình sản xuất theo chuẩn hữu cơ, sạch được công ty gầy dựng từ gần 20 năm nay. Cùng với trồng là sự đầu tư cho nghiên cứu, máy móc để có được sản phẩm cuối cùng như ý muốn. Trong đó, một số khâu được công ty coi trọng như thu hoạch, phơi sấy, rang xay.
Sản phẩm cà phê honney của Công ty TNHH MTV Bazan, TP. Gia Nghĩa đang được Đắk Nông đề nghị đạt chuẩn OCOP quốc gia
Những hạt cà phê được hái lựa đủ độ chín, phơi, sấy, chế biến làm sao để ra được yêu cầu khi thử nếm sản phẩm cuối cùng. Trong đó, đặc trưng nhất của sản phẩm cà phê honey là hương vị tự nhiên của trái cà phê chín như các loại vitamin.
Công ty xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, an toàn với những tiêu chuẩn cụ thể được các chuyên gia, hiệp hội cà phê quốc tế công nhận.
Hiện đơn vị đã liên kết với hàng trăm hộ dân trong và ngoài tỉnh sản xuất trên 200ha cà phê. Bà con hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, thu hái với tỷ lệ quả chín cao, phơi sấy, bảo quản theo quy trình khoa học nhằm không phát sinh yếu tố gây hại.
Anh Hoàng nhấn mạnh: Qua con đường OCOP, chúng tôi muốn đeo đuổi, định vị được tên tuổi Đắk Nông trên bản đồ cà phê thế giới. Nơi đó có nhiều nông hộ sản xuất, chế biến, kiểm soát được cà phê với chất lượng cao.
Sản lượng cà phê của tỉnh có thể không cần phải tăng. Nhưng phải tăng được sản lượng cà phê chất lượng cao, sạch, an toàn để tăng thu nhập bền vững cho bà con.
Hay với sản phẩm hồ tiêu, nhiều sản phẩm cũng đã được chứng nhận OCOP thể hiện sự đầu tư nghiêm túc chủ thể, qua đó nâng tầm cho sản phẩm chủ lực của Đắk Nông. Điển hình như với sản phẩm hồ tiêu OCOP 3 sao của Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song.
Chỉ với 35 thành viên tại thời điểm thành lập vào năm 2018, đến nay đã phát triển lên hơn 200 thành viên. Hợp tác xã đã tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ trên diện tích gần 1.000 ha.
Từ việc canh tác hồ tiêu theo cách truyền thống, toàn bộ các thành viên đều được bộ phận hướng dẫn kỹ thuật của hợp tác xã tập huấn quy trình canh tác tiêu hữu cơ.
Đó là những biện pháp kiểm soát môi trường, chuyển đổi từ sử dụng thuốc hóa học, phân bón vô cơ sang sản xuất sạch theo hướng hữu cơ bền vững.
Bà con đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, quy trình thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch cũng được áp dụng các quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn
Xã viên HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ
HTX đã từng bước tạo ra được chuỗi sản phẩm tiêu hữu cơ giá trị cao, với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có đầu ra ổn định trên thị trường.
Hiện nay, quy trình sản xuất và các sản phẩm từ hạt tiêu của hợp tác xã đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, có 195,6 ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ USDA, EU, JAS, Canada và chứng nhận sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ quốc gia.
Mỗi năm hợp tác xã xuất khẩu từ 200-300 tấn hồ tiêu hữu cơ. Chất lượng sản phẩm đạt giá trị cao, được thị trường trong nước và thế giới đón nhận, giá trị sản phẩm tăng gấp hai lần.
Theo bà Trần Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song, OCOP là một chứng nhận về chất lượng để HTX khẳng định uy tín của mình đối với đối tác trong nước, là tấm vé lớn để đơn vị mở rộng đầu ra trên thị trường quốc tế.
OCOP dần lớn mạnh
Theo ông Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được người dân hưởng ứng tích cực và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa.
Đắk Nông có 95 sản phẩm OCOP của 78 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất
Qua đó, nhiều sản phẩm chủ lực được nâng tầm, nhiều sản phẩm tiềm năng được đánh thức, khơi gợi để tăng giá trị. Chương trình cũng đã nâng tầm giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, giúp chủ cơ sở tiếp cận với quy trình chế biến sâu, đầu tư nghiêm túc cho kinh tế nông nghiệp
Các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
"Đắk Nông hiện có 95 sản phẩm OCOP của 78 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất. So với đầu năm 2023 tăng 35 sản phẩm, tăng 15 chủ thể. Trong đó có 16 sản phẩm đạt 4 sao, tăng 9 sản phẩm; 79 sản phẩm đạt 3 sao, tăng 26 sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP Quốc gia. Có 2 sản phẩm đang đề nghị cấp Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao là cà phê honey và bột ca cao nguyên chất của Công ty TNHH MTV Bazan" Sở NN-PTNT Đắk Nông
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh, các sản phẩm OCOP ngày càng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, mang đặc trưng gắn với văn hóa và tri thức địa phương.
Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã và đang đầu tư công nghệ, tạo ra đa dạng sản phẩm, áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, hướng đến xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm OCOP hiện nay không chỉ được bán với hình thức trực tiếp tại các chuỗi cung ứng OCOP, siêu thị, xuất khẩu mà còn được bán qua sàn thương mại điện tử, mang lại doanh thu cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.
"Đến nay, các ngành chức năng đã hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử gần 700 sản phẩm; trong đó có trên 60 sản phẩm OCOP. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin hơn 111 nghìn hộ, đạt hơn 92,8%." - Sở NN-NT Đắk Nông
Đắk Nông đã cụ thể hóa Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 của Trung ương bằng việc ban hành Kế hoạch số 653 về việc thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt hơn 90 sản phẩm, trong đó ít nhất 10% sản phẩm OCOP đạt 4-5 sao.
Các cấp, ngành, đoàn thể, người dân, doanh nghiệp phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm có lợi thế, nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn.
Từ đó, OCOP tỉnh sẽ góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa.
Đắk Nông đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản trong đó có OCOP
Để đạt được kế hoạch, Đắk Nông đẩy mạnh triển khai nhiều nhóm giải pháp. Cụ thể như, tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về sản phẩm và chương trình OCOP.
Đắk Nông tổ chức quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương…
Trong năm 2024, 2025, Đắk Nông sẽ thực hiện OCOP theo chuỗi giá trị, dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.