HTX thích ứng với chuyển đổi số, 'hái ra tiền' nhờ đưa hàng hóa lên 'chợ mạng', xây dựng mã số vùng trồng cho nông sản

Chia sẻ:

Ở phía Bắc, nho vẫn là một loại cây trồng khá mới, không dễ để thành công. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm đưa vào triển khai, mô hình trồng nho của HTX nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du (xã Đồng Du, huyện Bình Lục) đã cho thấy những ưu điểm vượt trội, giá trị kinh tế cao.

Hoàn thiện sản xuất

Để có được những thành công như vậy, ngay từ khi triển khai mô hình, HTX Đồng Du đã chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, sẵn sàng cạnh tranh với các sản phẩm cả trong và ngoài nước.

Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc HTX Đồng Du, cho biết HTX triển khai mô hình từ năm 2019, với hai giống nho chủ lực là nho Hạ Đen, nho Mẫu Đơn. Đây là 2 giống nho có khả năng chống chịu tốt với biến động thời tiết, cho năng suất cao, chất lượng, hương vị tuyệt vời.

 

Hiện đại hóa sản xuất, xây dựng thành công mã số vùng trồng giúp nông dân, HTX nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hiện đại hóa sản xuất, xây dựng thành công mã số vùng trồng giúp nông dân, HTX nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, HTX chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ vào canh tác. Cụ thể, HTX đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng và mái che, hình thành một "lớp khiên" bảo vệ cho cây trồng trước thời tiết và côn trùng gây hại.

Gần 3 ha nho của HTX cũng đang được triển khai theo công nghệ sản xuất của Nhật Bản, ứng dụng tưới nhỏ giọt, thiết kế giàn leo chắc chắn, qua đó vừa góp phần giảm công lao động vừa tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Chính nhờ quy trình sản xuất khoa học, an toàn, năm 2022, sản phẩm nho của HTX Ðồng Du được cấp mã số vùng trồng. Đây là bước ngoặt giúp HTX khẳng định thương hiệu, nâng sức cạnh tranh.

“Trước kia, chưa có mã số vùng trồng, nho của chúng tôi dù bảo đảm chất lượng, nhưng khi đưa ra thị trường vẫn khó cạnh tranh, vì vô danh. Nhưng khi đăng ký sản xuất theo cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, bán ra thị trường mọi người biết đến cây nho có truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ thuận lợi hơn”, ông Đức nói.

Thực tế chứng minh việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản, nâng cao sức cạnh tranh từ thị trường nội địa đến xuất khẩu, mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, HTX, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững.

Chào hàng trên “chợ mạng”

Số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Nam cho thấy đến nay, toàn tỉnh đã có gần 200 ha sản xuất được cấp mã số vùng trồng, trong đó tập trung vào các mặt hàng chủ lực như lúa, cây ăn quả, rau củ tươi...

Đáng chú ý, cùng với tích cực tham gia hoàn thiện sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, các HTX còn tích cực tham gia chuyển đổi số, đưa hàng hóa lên “chợ mạng”, từ đó lan tỏa thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên, người lao động.

Điển hình, HTX Nông sản hữu cơ Phù Vân (xã Phù Vân, TP. Phủ Lý) đang là một trong những lá cờ đầu trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng nông sản sạch.

Việc đẩy mạnh đưa hàng lên "chợ mạng" giúp HTX, nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ.

Việc đẩy mạnh đưa hàng lên "chợ mạng" giúp HTX, nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ.

Với sự đồng hành của cơ quan chức năng, HTX đã tham gia nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là được tham gia tập huấn về thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, được hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam…

Việc tích cực chuyển đổi số, tham gia bán hàng trên những trang thương mại điện tử giúp các mặt hàng nông sản của HTX ngày càng được thị trường biết đến. Sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên.

Bà Nguyễn Thị Thú, Giám đốc HTX Phù Vân, cho biết đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số đã giúp HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho trên 20 hộ trồng rau của thôn 4 và thôn 5 trên địa bàn xã.

Với các mặt hàng đã được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao như rau mồng tơi, rau muống, rau ngót, HTX không chỉ được các ngành chức năng hỗ trợ quảng bá trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh mà còn được hướng dẫn, hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất và thông tin sản phẩm. Qua đó, tạo thuận lợi cho HTX trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, từng bước tạo dựng uy tín trên thị trường.

Nhờ áp dụng công nghệ, minh bạch trong sản xuất, các sản phẩm của HTX ngày càng được lòng người tiêu dùng. Hiện, với diện tích trên 3 ha trồng rau, mỗi năm, HTX tiêu thụ trên 100 tấn rau an toàn, rau hữu cơ các loại cho các nhà hàng, cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh. Trong đó, sản phẩm rau mồng tơi, rau muống rất được khách hàng ưa chuộng.

Hướng tới nông nghiệp bền vững

Không chỉ riêng khu vực HTX, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực ở Hà Nam cũng đang tích cực chào hàng trên “chợ mạng”. Điển hình như đặc sản cá kho Nhân Hậu (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân).

Người tiêu dùng muốn tìm hiểu, đặt mua cá kho Nhân Hậu chỉ cần vào Google tìm kiếm sẽ cho hàng nghìn kết quả, như: Đặc sản cá kho Nhân Hậu Hà Nam, cá kho Nhân Hậu - đặc sản quê hương, cá kho làng Vũ Đại Hà Nam… Đây đều là những thông tin, trang web được các hộ sản xuất đăng ký và lập nên để bán sản phẩm cá kho Nhân Hậu qua mạng.

Theo thống kê, làng nghề cá kho Nhân Hậu hiện có hàng trăm hộ phát triển sản xuất. Để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường, các hộ kho cá và kể cả những đại lý buôn cá kho Nhân Hậu chủ động tiếp cận với thương mại điện tử. Các hình thức bán hàng qua mạng ở đây khá đa dạng, thông qua trang mạng xã hội (facebook, zalo), xây dựng trang web cá nhân… cung cấp hàng trực tiếp cho khách có nhu cầu ở khắp cả nước, thậm chí nước ngoài.

Có thể thấy, chuyển đổi số và xây dựng mã số vùng trồng là đòi hỏi tất yếu giúp nông dân, HTX ở Hà Nam nói riêng và trên cả nước nói chung có thể chinh phục người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản xuất, trong bối cảnh số hóa nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tập trung ruộng đất ở các khu quy hoạch và ngoài khu quy hoạch; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo hướng sinh thái bền vững, chuyển đổi số, xây dựng mã số vùng trồng, liên kết tiêu thụ với HTX, doanh nghiệp tại các địa phương; tiếp tục kêu gọi, thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các khu quy hoạch và ngoài khu quy hoạch, nhằm không ngừng nâng cao thu nhập cho người nông dân.