Quảng Trị: Hiệu quả nuôi tôm càng xanh nước ngọt
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong quyết định chuyển đổi sản xuất, đầu tư nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất cho kết quả khả quan. Điển hình là hộ anh Phan Văn Phụng ở thôn Đạo Trung. Nhờ nuôi tôm đúng quy trình kỹ thuật, nên mô hình của anh phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập cao.
Lợi nhuận cao
Trước đây, gia đình anh Phụng sử dụng gần 2.000 m2 ao để nuôi các loại cá truyền thống như trắm, chép, rô phi, tràu, trê… nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao, nhiều rủi ro. Sau một thời gian tìm hiểu các con nuôi mới, anh quyết định lựa chọn con tôm càng xanh đưa vào nuôi.
Năm 2022, gia đình anh Phụng được Phòng NN&PTNT huyện lựa chọn hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh. Ngay từ khi triển khai, gia đình anh xử lý, vệ sinh ao, đồng thời gia cố hệ thống tường rào, lưới chắn ao nuôi, khoan giếng nước, lắp đặt máy bơm và trang thiết bị phục vụ cho nuôi tôm, đúng với hướng dẫn về kỹ thuật nuôi tôm càng xanh. Nguồn giống tôm càng xanh được anh mua từ tỉnh Bến Tre, có chất lượng tốt.
Tôm càng xanh có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, can xi, các loại vitamin và khoáng chất. Thịt tôm được sử dụng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, lại có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi. Đầu ra của sản phẩm luôn ổn định do nhu cầu thị trường cao. Khi thu hoạch, thương lái đến tận ao của gia đình để thu mua tôm. Từ hiệu quả của năm đầu tiên mang lại, anh Phụng tiếp tục thả nuôi tôm càng xanh nước ngọt.
Kỹ thuật không khó
Anh Phụng chia sẻ, để nuôi tôm càng xanh hiệu quả, tôm giống phải chọn tôm khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không bị bệnh tật, màu hồng nhạt, đồng kích thước để nuôi tôm mới sinh trưởng tốt, ít gây hại đồng loại. Việc chăm sóc tôm càng xanh khá đơn giản, chỉ cần theo dõi số lượng và kịp thời phát hiện dịch bệnh để phòng trừ hiệu quả. Tôm có khả năng tăng trưởng nhanh, vốn đầu tư không lớn, nguồn nước trong ao nuôi không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Thời gian chăm sóc ngắn, có thể tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cá nhỏ, ốc, cám gạo, ngô phối trộn cho tôm ăn… Mật độ nuôi tôm từ 10 – 12 con/m2. Từ 6 – 7 tháng tuổi, tôm có thể tăng trưởng dao động từ 150 – 160 lần so với trọng lượng tôm giống ban đầu.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nên con tôm càng xanh của gia đình anh Phụng phát triển tốt. Trong thời gian từ 6 – 7 tháng nuôi, anh tiến hành thu hoạch. Bình quân 1 kg từ 10 – 12 con, giá bán 350.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt khoảng 140 triệu đồng/vụ. Anh Phụng cho biết thêm: “Năm nay là năm thứ hai, chúng tôi triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh. Quá trình nuôi, tôi thấy tôm càng xanh thích nghi với môi trường nước ngọt, khí hậu ở địa phương. Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục duy trì, phát triển mô hình này”.
Việc xây dựng thành công mô hình nuôi tôm càng xanh nước ngọt của gia đình anh Phụng, đã mở ra một hướng đi mới trong việc nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn huyện Triệu Phong và tìm kiếm được đối tượng con nuôi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện môi trường, khí hậu tại địa phương. Qua đó, giúp cho người dân khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để triển khai xây dựng mô hình đem lại nguồn thu nhập khá, giải quyết việc làm ở nông thôn.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong, tôm càng xanh là loại con nuôi mới ở địa phương, sau một thời gian thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các gia đình. Thời gian tới, Phòng tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân trên địa bàn huyện nhân rộng mô hình này.