Hết thời phải 'giải cứu', nông dân Cần Thơ làm cánh đồng lớn thu hàng trăm triệu, giảm mối lo từ 'ông trời'

Chia sẻ:

Cùng với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị, thời gian qua, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) đã từng bước quan tâm phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác, từ đó thay thế vườn tạp bằng các mô hình vườn cây ăn trái, cánh đồng lớn cho thu nhập tiền tỷ.

 

Sau hơn 10 năm triển khai, mô hình cánh đồng mẫu và cánh đồng lớn hiện đã được nhân rộng ở hầu khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, diện tích đạt trên dưới 11.000 ha/vụ, với nhiều đơn vị, HTX, doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân.

Đẩy mạnh công nghệ cao

Bình quân mỗi năm, nông dân trên địa bàn huyện sản xuất 3 vụ lúa, đạt diện tích 62.825ha, với sản lượng hơn 382.953 tấn, trong đó diện tích tham gia cánh đồng lớn đạt 32.839ha. Các hộ sản xuất đạt lợi nhuận hơn 77,26 triệu đồng/ha/năm, cao hơn ngoài mô hình 6-7 triệu đồng/ha/năm.

HTX nông nghiệp Tiến Dũng là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển cánh đồng lớn cho năng suất cao ở Cờ Đỏ. Để nâng cao giá trị canh tác, HTX đã áp dụng cơ giới hóa gần như 100% trên nhiều khâu sản xuất lúa trên cánh đồng như làm đất, gieo sạ, bơm tưới nước và thu hoạch lúa.

-7918-1711440490.jpg

Sản xuất trên cánh đồng lớn giúp nông dân đồng bộ cơ giới hóa, nâng cao giá trị canh tác.

HTX cũng đã được ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ gắn các thiết bị quan trắc tự động trên đồng ruộng giúp nông dân có thể kiểm tra mực nước trên đồng ruộng từ xa thông qua các điện thoại thông minh, cũng như giúp nắm bắt thông tin và quản lý về môi trường, sâu bệnh, dịch hại...

Ông Nguyễn Danh Dũng, Giám đốc HTX, cho hay: "Sản xuất trên cánh đồng lớn và hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp giúp thành viên HTX được hỗ trợ tối đa về các loại vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra sản phẩm. HTX cũng có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Bên cạnh cây lúa, ngành nông nghiệp huyện Cờ Đỏ cũng đang thúc đẩy đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, hình thành các chuỗi giá trị liên kết giữa các hộ sản xuất, HTX và doanh nghiệp, để từ đó giải hết bài toán tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Thống kê cho thấy, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao như ươm cá giống, trồng nấm, trồng các loại rau màu và cây ăn trái... Ðiển hình như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Thiên Minh ở ấp Thạnh Lộc, xã Trung Thạnh.

Thúc đẩy liên kết

HTX Thiên Minh hiện có 7 thành viên, với diện tích đất canh tác hơn 1 ha, trong đó có hơn 6.000m2 trồng dưa trong nhà màng ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong chăm sóc, tưới nước, bón phân...

Trồng dưa trong nhà màng giúp HTX chủ động phòng tránh sâu bệnh và nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết, giúp dưa đạt năng suất, chất lượng trái tốt. Năng suất dưa bình quân của thành viên HTX hiện từ 3-3,5 tấn/công/vụ, giá bán cũng ổn định ở mức trên dưới 40.000 đồng/kg, cung không đủ cầu.

Anh Ðoàn Văn Du, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Thiên Minh, cho biết: "Ðối với lúa, mỗi năm chỉ sản xuất được tối đa 3 vụ, còn mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng có thể trồng tới 4-5 vụ/năm, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi công đất".

Cũng đang có thành công ấn tượng nhờ chuyển đổi phương thức sản xuất, liên kết hình thành chuỗi giá trị là HTX Nông nghiệp Lộc Hưng, xã Thới Hưng. HTX đang triển khai mô hình trồng xoài theo quy mô lớn với các loại xoài cát Hòa Lộc, xoài tượng da xanh và da vàng.

-2363-1711440490.jpg

Bắt tay liên kết trong các HTX giúp nông dân nâng cao vị thế cạnh tranh, giảm mối lo được mùa mất giá.

Nhờ sản xuất khoa học, đa phần xoài của HTX đều đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường bên ngoài từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, lợi nhuận mang đến cho thành viên HTX cũng cao hơn 10%. Bình quân, mỗi hộ trong HTX trồng xoài 2 vụ sẽ thu lợi nhuận từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Giám đốc HTX Lộc Hưng Phan Văn Tây cho biết, trong xu thế kinh tế thị trường, muốn làm ăn lớn và nhất là tăng giá trị cho trái xoài đặc sản của địa phương, HTX đã xác định phải liên kết theo chuỗi, trực tiếp ký kết tiêu thụ sản phẩm với đối tác, doanh nghiệp.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đến ngỏ lời đặt hàng thu mua xoài với số lượng lớn, nhưng HTX phải cân nhắc chưa dám nhận lời hết vì không có đủ hàng để bán. Hiện, sản phẩm xoài của HTX đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, là điều kiện rất thuận lợi để HTX đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở các phân khúc thị trường cấp cao.

Hóa giải những điểm nghẽn

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, quá trình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị ở Cờ Đỏ cũng còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Thực tế chỉ ra phần lớn nông dân, HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển.

Giám đốc HTX Lộc Hưng Phan Văn Tây nhìn nhận việc hợp tác với doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn tiêu thụ đã đem lại hiệu quả hoạt động cho HTX. Song để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, HTX cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà xưởng chế biến nông sản sau thu hoạch…

Tuy nhiên, với năng lực hiện tại, như vốn điều lệ thấp, không có tài sản chung để vay thế chấp, nên HTX rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng. Do đó, HTX kiến nghị ngành chức năng thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển HTX…

Theo đó, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tham mưu các các cấp thẩm quyền, tăng cường phối hợp các ban, ngành huyện và ngành chức năng TP Cần Thơ để đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp trong xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Huyện cũng dự kiến đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Tích cực phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, HTX, kinh tế vườn và các mô hình sản xuất có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hỗ trợ, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình VietGAP và các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tạo điều kiện để các HTX và các hộ dân phát triển các sản phẩm OCOP từ các loại nông sản và sản vật tại địa phương để nâng cao chuỗi giá trị.