Mở chợ phiên livestream OCOP, hút doanh thu trăm tỷ đồng
Nếu như chợ phiên truyền thống chỉ kết nối được với khách hàng ở quanh khu vực, thì chợ phiên livestream OCOP có thể thu hút hàng nghìn người mua hàng trên khắp cả nước. Tuy vậy, chợ phiên OCOP đối mặt với thách thức như đảm bảo chất lượng, bài toán về vận chuyển nông sản tươi…
Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, tính đến giữa tháng 12/2023, cả nước có 11.054 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Trước sự cấp thiết về bài toán đầu ra, một năm vừa qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với nền tảng TikTok Việt Nam để thực hiện sáng kiến “Chợ phiên OCOP”.
Khách hàng chốt đơn tấp nập
Không chỉ chốt đơn hàng trị giá hàng trăm cho tới cả tỷ đồng, mỗi phiên bán hàng trên các chợ điện tử, thông qua video ngắn, các TikToker đã kể câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm nông sản, đặc sản Việt Nam.
Bà Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, Tân Cường, TP.Thái Nguyên, cho hay việc bán hàng thông qua livestream đã giúp sản phẩm của HTX đi xa hơn. Mỗi phiên livestream tiếp cận hàng ngàn người xem và mua hàng.
Một phiên livestream bán nông sản có thể thu hút ngành nghìn người xem, chốt đơn tới tỷ đồng.
“Sản phẩm mỳ sản xuất từ gạo bao thai Định Hóa và trà Đinh thượng hạng hầu như phiên chợ nào cũng “cháy hàng” , bà Tân cho hay. Doanh số bán hàng của HTX tăng đột biến 80% về số lượng nhờ tham gia qua kênh bán hàng online trong 1 năm qua.
Trong khi đó, bà Nguyễn Ngọc Huyền (TikToker Huyền Huho), chuyên bán các đặc sản Tây Bắc, cho biết mỗi phiên livestream đạt doanh số từ vài trăm tới hàng tỷ đồng.
“Thời gian đầu, hiệu ứng lan tỏa chưa cao, nhưng sau đó nhiều người biết tới thương hiệu của đặc sản Tây Bắc vào xem và chốt đơn. Bình thường, một người bán hàng tiếp cận 100 – 200 người mua là quá thành công, nhưng nếu bán online có thể tiếp cận hàng ngàn người” – TikToker Huyền Huho chia sẻ thêm với VnBusiness.
Sắp tới, TikToker Huyền cho biết sẽ tiếp tục mở rộng livestream bán đặc sản Tây Bắc và mở rộng thêm nhiều sản phẩm Việt đặc trưng.
Nhớ lại những ngày đầu triển khai chợ phiên OCOP, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, số lượng người xem rất ít, khoảng 50 người mà chủ yếu là cán bộ của trung tâm. Tuy vậy, nhờ sự kiên trì, đổi mới cách tiếp cận, những phiên livestream sau này ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Sơn La… đã đạt được sự bùng nổ về người xem và chốt đơn.
Đáng chú ý, trong giai đoạn thử nghiệm 2023, chương trình đã ươm mầm thành công hàng trăm doanh nghiệp, chủ thể OCOP đi từ những phiên livestream “0 đồng” đến phiên livestream “trăm triệu”.
Một số những “hạt giống” đạt kết quả bứt phá có thể kể đến như: Thịt Chua Trường Foods (sản phẩm thịt chua Phú Thọ), Chuyện nhà Rex Messi (sản phẩm Long nhãn ôm sen Hưng Yên), Tú Trinh Foods (sản phẩm bún tươi đông lạnh Đồng Tháp), Mật Ong Phương Di (mật ong Gia Lai), Hồi ức 1997 (sản phẩm Mỳ Chũ, Chè Lam đặc sản Bắc Giang)...
Thêm mục tiêu mới
Sau một năm triển khai, Chợ phiên OCOP đã thu về được nhiều hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ giá trị chương trình OCOP cho người dùng mạng xã hội, như: hashtag #OCOP đạt 1,4 tỷ lượt xem, hơn 800 phiên livestream Chợ phiên OCOP được tổ chức với doanh số của chương trình đạt hơn 100 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến.
Sự chuyển biến tích cực là đáng ghi nhận, song có không ít thách thức. Thực tế, bán nông sản tươi online luôn là câu chuyện không hề dễ vì liên quan tới vận chuyển, người tiêu dùng cũng e ngại chất lượng. Đáng lo ngại, thực trạng hàng giả sản phẩm OCOP nói riêng và đặc sản vùng miền nói chung đã xuất hiện trên các chợ online.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam, thông tin nền tảng này có công cụ cho phép người dùng báo cáo nếu mua phải sản phẩm không như mong muốn. Đặc biệt, người dùng có thể khiếu nại sản phẩm nhận được khác với mô tả của người bán như quảng cáo không đúng sự thật.
TikTok cam kết sẽ trả lời khiếu nại của khách hàng trong 72 giờ, nếu khiếu nại hợp lý sẽ đền bù cho người mua từ 100 - 200% giá trị đơn hàng. Đặc biệt, “chúng tôi sẽ có hình phạt nhất định với người bán. Điều này khác với mua bán trên mạng xã hội hay thông qua các hội nhóm không có sự kiểm soát về chất lượng”, đại diện TikTok Việt Nam nói thêm.
Cùng với đó, đại diện TikTok Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục nâng cao đào tạo kỹ năng số cho các chủ thể OCOP. Đồng thời, muốn đưa sản phẩm đặc sản vùng miền địa phương đi xa nhờ kênh bán hàng online, hệ sinh thái cần đẩy mạnh sự tham gia hỗ trợ của nhà vận chuyển, logistics, từ đó đảm bảo chất lượng và giá thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
“Mục tiêu làm sao thời gian tới có thể đưa sản phẩm OCOP tới thị trường quốc tế như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan. Không chỉ câu chuyện bán OCOP để đem về doanh thu mà còn giới thiệu câu chuyện văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam”, ông Lâm Thanh nói.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng, tốc độ lan tỏa của sản phẩm OCOP cần phải đẩy mạnh hơn. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Nguyễn Minh Tiến, thông tin năm 2024 sẽ lựa chọn sản phẩm OCOP tiêu biểu để giới thiệu tới thị trường các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.
“Như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nói, sản phẩm nông nghiệp là đại sứ liên ngành. Chúng ta không chỉ giới thiệu để bán sản phẩm OCOP mà thông qua đó còn là phát triển du lịch nông thôn, làng nghề truyền thống, từ đó tạo thêm nhiều giá trị gia tăng” – ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Cần tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước thông qua các kênh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội tương tác. Đây là những "chiếc cầu” để người nông dân chủ động nâng cấp, cập nhật, mở những con đường khác để nông sản ra thị trường, chứ không chỉ là những phương cách truyền thống lâu nay. Song song với việc chuyển nông sản đến với chợ, đến thị trường, thì giờ đây, nhiều nơi đang chủ động, mạnh dạn mời người tiêu dùng, du khách về với vườn, ruộng của mình.
TikToker Trần Phương Dung
Thời gian qua, chúng tôi tập huấn cho bà con nông dân livestream (phát trực tiếp) bán nông sản, đặc sản của mình trên nền tảng TikTok Shop. Tôi muốn đưa người nông dân lên livestream, để họ tự kể về hành trình tạo ra từng sản phẩm, để người xem hiểu về vùng đất đó, con người đó, văn hóa nơi đó". Đây là chiếc "cần câu cơm" hữu hiệu, là cách bán hàng bằng cảm xúc và giờ đây chính những người nông dân sẵn sàng chia sẻ lại cho người nông dân ở các vùng miền khác cùng làm.
Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng
Viện Trưởng Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mekong
Các chủ thể kinh doanh nông sản bản địa rất cần được đào tạo về công nghệ, cách vận hành kênh bán hàng trực tuyến. Các chủ thể này không chỉ sản xuất và bán hàng, mà họ cần được đào tạo chuyên sâu để nắm rõ cả quy trình vận đơn, đóng gói cho đến việc giải quyết cả phàn nàn của khách hàng. Bởi lẽ, kỹ năng bán hàng online không phải ai cũng có, nên cần phải có sự liên kết, tức là phải tìm đến “kiềng ba chân”: Nông dân, người nuôi trồng, sản xuất - DN chế biến - DN bán hàng.