An Giang tận dụng thời cơ xuất khẩu
An Giang là địa phương có điều kiện thuận lợi sản xuất lúa, cá tra, cây ăn trái, rau màu... quanh năm. Tình hình bất ổn chính trị một số khu vực, tác động của biến đổi khí hậu đang làm cho chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu bị gián đoạn, nhiều nơi thiếu hụt. Đây là cơ hội để doanh nghiệp (DN) nông, thủy sản của tỉnh tận dụng thời cơ xuất khẩu, tập trung vào sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới có tiềm năng, lợi thế.
Xuất khẩu thủy sản có bước phục hồi
Khai thác thế mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam hơn 19 tỷ USD, tăng 23,7% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mặt hàng gạo tiếp tục để lại dấu ấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, tăng 36,5%; rau quả 1,8 tỷ USD, tăng 32,1%; trong khi thủy sản có bước phục hồi, kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, tăng 4,2%.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô”, gạo, cá tra, rau quả là thế mạnh của An Giang. Do vậy, các DN trong tỉnh chủ động tận dụng cơ hội này. Điển hình như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) thu mua, tích trữ lúa khi vụ đông xuân 2023 - 2024 thu hoạch rộ (tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua).
“Công ty tận dụng tối đa kho có lò sấy để trữ lúa, đảm bảo nguồn cung dồi dào cho thị trường trong và ngoài nước, đồng thời tích cực tìm kiếm khách hàng đối tác mua cung ứng gạo trắng tập trung. Angimex còn tập trung vào phân khúc gạo thơm phẩm chất lượng cao; phát triển khách hàng thị trường gạo chất lượng cao để tiêu thụ sản phẩm BL9 Lúa Tôm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu cho các nhóm gạo chiến lược, nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu cung ứng nội địa và xuất khẩu” - Tổng Giám đốc Công ty Angimex Huỳnh Thanh Tùng thông tin.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, để khai thác thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có mặt hàng lúa gạo. Quan điểm được nêu ra trong chiến lược là tiếp tục nâng cao hiệu quả, thế mạnh trong xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững, giảm về lượng và tăng về chất; duy trì ổn định, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Tỉnh thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao, sản phẩm chế biến từ gạo, góp phần tiêu thụ hết lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho nông dân; nâng cao thu nhập của nông dân, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. An Giang phát triển xuất khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; khai thác cơ hội, tiềm năng, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4 mục tiêu cần hướng đến là: Tăng trị giá xuất khẩu gạo; chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp mang thương hiệu gạo An Giang vào các thị trường; cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, lượng gạo xuất khẩu của An Giang đạt khoảng 570.000 - 600.000 tấn, kim ngạch đạt 330 triệu USD.
Nỗ lực vượt khó
Năm 2024, ngành thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, khi xung đột chính trị vẫn tiếp diễn, đặc biệt là tình trạng căng thẳng ở Biển Đỏ làm cho giá vận chuyển đường hàng hải tăng gấp nhiều lần so với trước. Chiến tranh làm cho tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các nhà nhập khẩu cá tra ở 4 thị trường lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc - Hong Kong, Liên minh Châu Âu - EU) và các quốc gia Châu Á hạn chế nhập hàng. Đi cùng với đó là cạnh tranh về giá bán sản phẩm đối với cá thịt trắng (cá minh thái, cá tuyết), ảnh hưởng lớn đến DN thủy sản Việt Nam.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới cho biết, trước thực tế này, DN tìm mọi cách để thích ứng, thích nghi theo hướng khép kín quy trình sản xuất, chế biến; khép kín chuỗi giá trị cá tra bằng cách tự chủ 100% thức ăn cho vùng nuôi của công ty. Nam Việt tập trung sản xuất từ con giống đến cá thương phẩm, đẩy mạnh chế biến sản phẩm truyền thống, sản phẩm giá trị gia tăng, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa, phấn đấu đạt kế hoạch kinh doanh.
“Năm 2024, công ty đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 13% so năm 2023; mức lãi sau thuế phấn đấu đạt 306 tỷ đồng (cao gấp 8 lần năm 2023). Để đạt được kế hoạch này, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường xuất khẩu truyền thống lẫn thị trường tiềm năng; đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tiếp tục sản xuất mặt hàng fillet truyền thống, đồng thời đẩy mạnh chế biến sản phẩm mang tính giá trị gia tăng, như: Chả đòn, chả viên, cá basa tẩm bột chiên, cá tra fillet tẩm gia vị… để xuất sang Trung Quốc, Thái Lan và các nước phát triển” - ông Doãn Tới chia sẻ.
Để sản phẩm cá tra được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, ông Doãn Tới đề nghị Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ DN đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, sản phẩm cá tra ở thị trường trong, ngoài nước. Đồng thời, hỗ trợ DN tham gia hội chợ quốc tế, có cơ chế phù hợp để cơ quan thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, địa phương đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, sản phẩm cá tra của DN Việt Nam đến với người tiêu dùng…
Sáng tạo khai thác tài nguyên bản địa
Khai thác tài nguyên bản địa
Trong khi DN lương thực, thủy sản tập trung vào thị trường xuất khẩu lớn thì DN nhỏ, cơ sở sản xuất - kinh doanh, thanh niên khởi nghiệp tập trung khai thác tài nguyên bản địa, tận dụng sàn thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước, từng bước xuất khẩu sản phẩm.
Tại thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn), nghề đan đệm bàng hình thành và phát triển từ rất lâu. Từng có thời điểm, nghề này bị mai một do thị trường tiêu thụ hạn chế, người dân không còn mặn mà gắn bó. Tuy nhiên, tâm huyết của chị Trần Thị Trang (chủ Cơ sở Trung Trang) đã thổi làn gió mới cho nghề “sống lại”.
Cũng là đệm bàng, chị Trang mạnh dạn cải tiến mẫu mã. Nếu như trước đây, sản phẩm chỉ là những giỏ đệm đơn giản, thì hiện nay, chúng được “trang điểm” bằng họa tiết, hoa văn tinh tế. Chị Trang còn sáng tạo mẫu túi xách, balo, ví, dép… đẹp mắt từ chất liệu cỏ bàng. Sản phẩm dần dần được thị trường đón nhận nhiệt tình, có mặt ở nhiều địa phương; hướng đến xuất khẩu theo đường xách tay du lịch.
Tương tự như nghề đệm bàng, nghề đan đát Long Giang (huyện Chợ Mới) cũng thay đổi tích cực để tồn tại và phát triển. Tổ trưởng Làng nghề đan đát Long Giang Đinh Hùng Cường cho biết, cùng với sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân (rổ, thúng, xề, nia…), một vài hộ còn cho ra sản phẩm “mi-ni”, phục vụ nhu cầu của du khách, trang trí ở hàng quán, khu du lịch… Quy trình sản xuất không khác so với sản phẩm truyền thống, nhưng đòi hỏi công lao động và tính tỉ mỉ cao hơn. Bù lại, các mặt hàng này được du khách thích thú. Giá cả phải chăng (bình quân khoảng 35.000 đồng/cái) cũng là ưu điểm thu hút khách.
Ông Cường cho biết, thị trường tiêu thụ của làng nghề rất rộng, trải khắp ĐBSCL cho đến Campuchia. Khoảng 80% sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng của thương lái, nên đầu ra được đảm bảo. “Các loại thúng được tiêu thụ mạnh từ tháng 10 (âm lịch) trở đi, do đây là thời điểm vào vụ thu hoạch lúa. Các loại sản phẩm khác bán chạy từ tháng 7 đến tháng 10 (âm lịch). Mùa nước nổi, người dân mua sản phẩm để đựng và đánh bắt cá” - ông Cường chia sẻ.
Những năm 2000, nhờ sinh sống gần biên giới Campuchia, anh La Văn Bản (xã Khánh Bình, huyện An Phú) tiếp cận với nhiều loại cây trồng mới. Nhận thấy xoài keo được thị trường Campuchia ưa chuộng nên anh Bản mạnh dạn cải tạo 6 công đất (6.000m2) của gia đình để phát triển loại cây trồng này. “Nếu canh tác hợp lý, chỉ sau 2,5 - 3 năm, xoài keo có thể cho thu hoạch. Năng suất mỗi vụ đạt từ 3 - 4 tấn/công. Tính bình quân, giá xoài khoảng 10.000 đồng/kg trở lên là nông dân sống được” - anh Bản bộc bạch.
Theo anh Bản, xoài keo được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Campuchia, qua Cửa khẩu Khánh Bình (thị trấn Long Bình, huyện An Phú), hoặc xuất sang Trung Quốc, thông qua thương lái ở TP. Hồ Chí Minh. “Xuất khẩu sang thị trường Campuchia hoặc Trung Quốc thường có giá hơn thị trường trong nước. Do đó, nhà vườn thường chủ động xử lý để xoài ra hoa, kết trái, cho thu hoạch ngay thời điểm thị trường các nước này tăng nhu cầu, mang lại lợi nhuận cao hơn” - anh Bản nhấn mạnh.
Với sáng tạo của tuổi trẻ, cô gái Huỳnh Thị Kim Tiên (Công ty TNHH SX-TM Đại Hồng Tiến, phường Long Sơn, TX. Tân Châu) cho ra đời snack bưởi làm từ nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản hay phụ gia. Sản phẩm được lát mỏng, có độ giòn, vị ngọt, chua nhẹ, hơi the nhưng không đắng, được dùng như món ăn vặt, nhiều người ưa chuộng.
Snack bưởi có giá bán bình dân, 70.000 đồng/hộp (100gr), chủ yếu tiêu thụ ở tỉnh An Giang, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), TP. Hà Nội... “Để mở rộng thị trường, ngoài bán trực tiếp, công ty còn đẩy mạnh chia sẻ trên trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... Bình quân mỗi tháng, công ty cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 hộp snack bưởi” - Tiên chia sẻ.
Nâng cao chất lượng lúa gạo
Tận dụng thị trường
Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh thời gian qua đạt kết quả tích cực, tăng trưởng xuất khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng qua ước đạt 464 triệu USD, tăng 4% so cùng kỳ 2023, đạt 33% kế hoạch năm 2024. Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, 14 DN (đủ điều kiện xuất khẩu gạo) trên địa bàn tỉnh đã xuất 153.800 tấn, tương đương 93,3 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 14% về kim ngạch so cùng kỳ.
Gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt, gạo đồ, tấm, nếp… đã có mặt, tạo uy tín tại những thị trường lớn trên thế giới. Loại gạo 5% tấm, các DN đang xuất khẩu với giá 577 USD/tấn; gạo 25% tấm giá xuất khẩu 558 USD/tấn; riêng gạo Nhật giá xuất khẩu gần 900 USD/tấn.
Năm 2024, cơ hội và thách thức đan xen nhau. Cùng với xung đột chính trị ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, chính sách nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường lớn đang diễn biến theo hướng tăng cường rào cản kỹ thuật. Điển hình như thị trường EU, tăng cường về chính sách xanh hóa hàng hóa khi nhập khẩu. Nhật Bản đang từng bước áp dụng hàng hóa phải sử dụng tối thiểu 30% năng lượng tái tạo...
Theo ông Nguyễn Minh Hùng, để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2732/QĐ-UBND, ngày 31/10/2018). Đồng thời, phối hợp Bộ Công Thương, sở, ngành tỉnh tiếp tục hỗ trợ DN xuất khẩu của An Giang tiếp cận thông tin, tham dự hội thảo, tập huấn, như: Hội thảo “Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của tỉnh An Giang sang các nước thị trường Nam Phi và Tây Á”, tổ chức 2 buổi tập huấn, tuyên truyền về FTA (dự kiến tổ chức tại An Giang trong quý II/2024); đề xuất tham dự chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2024), do Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức vào tháng 6/2024 tại TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ DN xuất khẩu của tỉnh tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước...
Sở Công Thương An Giang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xuất khẩu hàng hóa, kịp thời đưa ra dự báo; đồng thời nghiên cứu tham mưu, đề xuất Bộ Công Thương tiến hành rà soát các FTA, điều chỉnh, bổ sung danh mục chủng loại gạo Việt Nam có giá trị, chất lượng cao vào danh mục sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan.