Bền vững như tôm sinh thái
Xác định được lợi ích thiết thực mà các mô hình nuôi tôm sinh thái mang lại, những năm qua, tỉnh Cà Mau đã chú trọng phát triển các mô hình này, nhằm tận dụng tiềm năng và lợi thế vốn có của địa phương, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản.
Vùng trọng điểm của nuôi tôm sinh thái
Hiện nay, Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 301.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm hơn 280.000 ha. Nghề nuôi tôm là sinh kế chính của bà con nông – ngư dân trong tỉnh, sản lượng tôm nuôi tăng bình quân hàng năm từ 6 – 8%, riêng 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt trên 150.000 tấn.
Diện tích sản xuất tôm – lúa của tỉnh đạt trên 43.000ha. Thực tế đã khẳng định sản xuất luân canh một vụ lúa, một vụ tôm là mô hình sản xuất bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao. Năng suất tôm nuôi trên đất có trồng lúa, bình quân 400 – 460 kg/ha/năm, tăng từ 20 – 30% so với điều kiện nuôi tôm quảng canh không có trồng lúa.
Mô hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn, nuôi tôm sinh thái ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
Sản xuất thuận tự nhiên
Sản phẩm đặc trưng của tôm Cà Mau là tôm nuôi mang đậm chất sinh thái. Ở các mô hình nuôi tôm nói trên, chủ yếu người nuôi chỉ thả tôm giống, tôm nuôi phát triển dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên; đây là mô hình được các nhà khoa học đánh giá mang tính bền vững cao.
Có thể nói, các mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ đạt chứng nhận, rất phù hợp ứng phó với sự biến đổi khí hậu. Để nuôi tôm đạt chứng nhận, thì mô hình nuôi sinh thái, được xem là mô hình nuôi đáp ứng được 2 mục tiêu lớn: Vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường sinh thái, hướng tới nghề nuôi bền vững, thích ứng với sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt như hiện nay.
Bốn quy trình nuôi tôm sinh thái đạt chứng nhận: Trước hết là áp dụng kỹ thuật thả giống mật độ thưa; Quá trình nuôi không sử dụng hóa chất, kháng sinh; Dựa vào thức ăn tự nhiên là chính; Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú.
Các mô hình nuôi tôm sinh thái đạt chứng nhận theo quy trình này, đã tạo ra ưu thế của sản phẩm tôm sinh thái thường có kích cỡ to, chất lượng sản phẩm cao, có khả năng đáp ứng cho nhiều thị trường xuất khẩu khó tính như EU, Mỹ, Nhật… Với các ưu thế nổi trội, sản phẩm tôm nuôi sinh thái tại Cà Mau, đã góp phần làm gia tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm tôm nuôi của Cà Mau trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ đạt chứng nhận, rất phù hợp ứng phó với sự biến đổi khí hậu. Mô hình nuôi hoàn toàn tự nhiên (nuôi sinh thái), sản phẩm tôm nuôi chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến sản phẩm tôm sạch, phục vụ tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Phát triển hệ sinh thái ngành tôm
Để phát triển loại hình nuôi tôm sinh thái một cách mạnh mẽ và bền vững, thời gian tới, tỉnh Cà Mau đã chú trọng quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030: Chuyển toàn bộ gần 30.000 ha diện tích nuôi theo hình thức tôm – rừng, sang nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng và trên 20.000 ha nuôi tôm sinh thái được chứng nhận. Bên cạnh đó, chú trọng nhân rộng mô hình nuôi tôm quảng canh, kết hợp đa dạng đối tượng nuôi trên diện tích 100.000 ha, nuôi tôm sinh thái theo mô hình sản xuất luân canh lúa – tôm trên diện tích 43.000 ha.
Song song đó, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau yêu cầu: Các cơ quan chuyên môn nhanh chóng tìm ra các giải pháp kỹ thuật, để tăng năng suất cho loại hình nuôi tôm sinh thái, cả loại hình nuôi tôm dưới tán rừng và nuôi tôm luân canh với diện tích trồng lúa. Xúc tiến nhanh việc tổ chức các chuỗi sản xuất liên kết, với vai trò các doanh nghiệp xuất khẩu làm nòng cốt, để hỗ trợ nông – ngư dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm, ngày càng bán sản phẩm với giá tốt hơn.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau quyết tâm chỉ đạo đến năm 2025, tỉnh phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt 30.000 ha và trên 20.000 ha nuôi tôm sinh thái được chứng nhận, đồng thời cho mở rộng 4.000 – 5.000 ha nuôi tôm – lúa theo hướng chứng nhận hữu cơ.Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, ngành hàng tôm sinh thái, đã được chọn lựa là một trong những ngành hàng tập trung ưu tiên phát triển thời gian tới. Định hướng phát triển ngành hàng tôm, Cà Mau chú trọng phát triển chuỗi giá trị tôm sinh thái, trên cả 2 lĩnh vực nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn và nuôi tôm luân canh trồng lúa.
Tập trung khai phá thế mạnh
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Cà Mau, bên cạnh những kết quả đạt được, nghề nuôi tôm nói chung và nghề nuôi tôm sinh thái, hữu cơ nói riêng ở Cà Mau, hiện đang đối mặt với những khó khăn thách thức, cần có những giải pháp mạnh, để nhanh chóng tập trung phát triển bền vững mô hình tôm sinh thái, hữu cơ đạt chứng nhận của tỉnh.
Trước mắt, cần có những chính sách khuyến khích phù hợp như: Hỗ trợ đầu tư cho những hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái, hữu cơ đang gặp khó khăn về vốn. Đồng thời phải tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư và nhất là công tác phối hợp với các nhà khoa học, nghiên cứu lai tạo những giống lúa có khả năng sinh trưởng và phát triển trên đất nhiễm mặn, để phục vụ cho sản xuất, giúp cải thiện cuộc sống của nông dân trong vùng tôm – lúa. Cần tăng cường chính sách hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng, đối với loại hình nuôi tôm dưới tán rừng…
Ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng, chú trọng hợp tác với các trường, viện nghiên cứu, nhằm xây dựng Đề án phát triển ngành hàng tôm sú sinh thái, nghiên cứu để chứng nhận đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC… Bên cạnh đó, đầu tư nghiên cứu cải tiến quy trình nuôi tôm sinh thái, để nâng cao năng suất và hiệu quả; tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng nuôi quy mô lớn, có sự quản lý của cộng đồng. Tăng cường sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…
Đáng lưu ý, các chủ rừng cần tăng cường công tác phối hợp với cơ quan liên quan, với các doanh nghiệp, nhằm quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ rừng, khai thác rừng hợp lý… Qua đó, tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản trên đất rừng, phát huy tốt nhất lợi thế điều kiện tự nhiên.