Các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long làm gì để thích ứng với biến đổi khí hậu?
Dự báo trong tương lai, các xu thế tác động của biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh và phức tạp hơn. Đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngành sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu gây ra thời tiết cực đoan, nắng nóng, hạn hán, lũ lụt kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân. Trong đó, sản xuất nông nghiệp là ngành chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu dự kiến làm giảm khoảng 12% diện tích sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng và 24% ở đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến diện tích sản xuất nông nghiệp mà còn liên quan tới cả năng suất nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, năng suất canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ giảm 40,5%. Do đó việc sử dụng các mô hình sinh kế thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là một hướng đi cần thiết.
Kịch bản biến đổi khí hậu trung bình dự báo sản lượng lúa xuân có thể giảm 716,6 kg/ha vào năm 2050, trong khi sản lượng lúa hè thu có thể giảm 795 kg/ha. Điều này sẽ làm tổng sản lượng lúa giảm 1.475.000 tấn. Sản lượng ngô có thể giảm 781,9 kg/ha, dẫn đến tổng sản lượng giảm 880.000 tấn.
Về mặt năng suất, dự báo đến cuối năm 2050, biến động năng suất của đa số các nhóm sản phầm đều chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet).
Theo TS. Nguyễn Đăng Mậu - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khí tượng Nông nghiệp, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cũng cho biết, hiện nay, ngành nông nghiệp tại Việt Nam đang chịu nhiều tác động cực đoan từ biến đổi khí hậu với nhiều nhân tố như thời tiết, khí hậu, tài nguyên đất, nước, không khí và môi trường xung quanh.
Dự báo trong tương lai, các xu thế tác động của biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh và phức tạp hơn. Do vậy, đây được coi là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh chuyển đổi mùa vụ, phát triển nông nghiệp thông minh, linh hoạt. Các nhà nghiên cứu nhận định, việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu, không chỉ riêng Việt Nam áp dụng mà đang được nhân rộng mô hình trên toàn thế giới.
Trước tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia châu Á có nhiều thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đã thể hiện được "tầm nhìn chiến lược" khi văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 19 và trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về thích ứng BĐKH,… đều nêu rõ những giải pháp quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp như: Áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính,…
Tại Tiền Giang, huyện cù lao Tân Phú Đông đã chủ trương sản xuất từ trồng lúa một vụ sang trồng dừa chuyên canh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông cho biết, hiện ở địa phương đã xây dựng được vùng trồng dừa chuyên canh gần 2.700 ha, hàng năm cho sản lượng gần 40.000 tấn quả phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Trong đó, xã Tân Thới có trên 1.300 ha, xã Tân Phú gần 900 ha, còn lại ở các xã khác. Từ đầu năm đến nay, nông dân địa phương đạt sản lượng thu hoạch 7.500 tấn, tăng 1.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tiền Giang phát triển vùng chuyên canh dừa thích ứng biến đổi khí hậu. (Nguồn: TTXVN).
Để nâng cao hiệu quả từ vườn dừa chuyên canh, nông dân địa phương quan tâm áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, kết hợp xây dựng mô hình sản xuất thích hợp như: VAC, kết hợp trồng dừa với xen canh ca cao dưới tán dừa, trồng dừa kết hợp chăn nuôi… Nhờ vậy, tạo dựng nên cơ nghiệp bền vững trên vùng đất cù lao nhiễm mặn còn nhiều khó khăn và bị thiên tai thường xuyên đe dọa hàng năm.
Tỉnh Sóc Trăng nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, là địa phương phải đối mặt với nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, từ nhiều năm nay Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ trên từng lĩnh vực nhằm giúp người dân ứng phó tốt hơn với những thách thức, rủi ro từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững.
Từ năm 2023 tới nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã duy trì và khuyến khích nhân rộng nhiều mô hình sinh kế đa dạng, phù hợp với nguồn lực của từng hộ, thay thế cho việc canh tác lúa vào mùa hạn, mặn; khuyến khích người nông dân yên tâm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị trên đơn vị canh tác. Các mô hình chuyển đổi cây trồng hằng năm như: Trồng 2 lúa - 1 màu; mô hình trồng sen lấy gương; các mô hình chuyển đổi trồng cây lâu năm có tiềm năng xuất khẩu và thích nghi tốt với thổ nhưỡng tại địa phương, như: dừa, chuối, vú sữa, sầu riêng, chanh…
Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, từ nhiều năm nay, Sóc Trăng đã áp dụng mô hình trồng sen xen canh lúa. (Nguồn Internet).
Đặc biệt, Sóc Trăng còn lồng ghép, triển khai nhiều dự án, đề án thiết thực trong từng lĩnh vực như: Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Dự án phát triển sản xuất cây ăn trái đặc sản, Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản, Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp địa phương này tập trung triển khai nhiều chương trình, đề án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...
Năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô hơn 1.454 ha cây trồng và trên 23,7 nghìn vật nuôi. Phong trào tự sản xuất, ứng dụng lợi khuẩn Probiotic và nấm men rượu để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất trồng trọt được nông dân quan tâm ứng dụng.
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều địa phương của tỉnh Đồng Nai đã tập trung chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo đó cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi linh hoạt, hợp lý, tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng chính đều tăng.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.