Cách nào để nông sản duy trì “đất sống” trên sàn thương mại điện tử?
Mặc dù sàn thương mại điện tử được nhận định là giải pháp cứu tinh cho nông sản nhưng để nông sản lên sàn trụ vững còn nhiều việc phải làm.
Gánh nặng chi phí
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, với doanh thu 20,5 tỷ USD năm 2023, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Và theo dự báo năm 2024 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), doanh thu thương mại điện tử B2C có thể sẽ đạt khoảng gần 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.
Trong một báo cáo khác vừa được YouNet ECI công bố cũng dự báo rằng thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trung bình 25% mỗi năm tiến tới 2025, thúc đẩy bởi sự phát triển của shoppertainment và sự xuất hiện chính thức trên thương mại điện tử của các nhãn hàng lớn. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nông sản, nhất là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Thực tế mấy năm trở lại đây làn sóng đưa hàng nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử được các doanh nghiệp và địa phương trên cả nước đồng loạt triển khai khá rầm rộ. Kết quả bước đầu cho thấy, nhiều sản phẩm nông sản như vải thiều Bắc Giang, xoài cát Hòa Lộc (Đồng Tháp), bưởi Tân Triều (Đồng Nai)… đã tìm được “đất sống” trên các “chợ mạng” này.
Tuy vậy hiện nay việc kinh doanh trên sàn ngày càng khó khăn do các sàn liên tục cập nhật chính sách mới buộc nhà bán hàng phải hoạt động chuyên nghiệp hơn để có hiệu quả trong kinh doanh.
Việc mua sắm nông sản qua sàn thương mại điện tử ngày càng dễ dàng |
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty XNK Vina T&T, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam- chia sẻ, vì thương mại điện tử cần kỹ năng quan trọng là sử dụng thành thạo các apps, do vậy việc đưa lên sàn các sản phẩm OCOP không khó, nhưng để duy trì thì không dễ.
Về nguyên nhân, ông Tùng cho rằng, những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất và bán hàng trên sàn đều là nông dân, các HTX… nên khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế.
Ngoài ra, theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Dr SME tái cấu trúc, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, sàn thương mại điện tử trong các năm gần đây đang nổi lên như một giải pháp cứu tinh cho nông sản hay sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, về thực chất để nông sản lên sàn còn phải bàn bởi có nhiều “điểm nghẽn” như: Chi phí bán hàng trên sàn là khoản chi phí gánh nặng với doanh nghiệp đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp do chi phí mở gian hàng, quản lý, giao hàng, phục vụ và thời gian chậm thanh toán - các sàn giữ tiền lại của chủ thể bán hàng.
“Nếu tính đúng tính đủ tổng chi phí này có thể lên tới 30-40% chi phí giá của doanh nghiệp. Đây thực sự là một gánh nặng không dễ dàng với các sản phẩm nông nghiệp”- ông Tuấn Anh chỉ ra.
Một điểm nữa, theo ông Tuấn Anh, thương mại điện tử có một bất lợi vô cùng lớn đó là khách kéo về gian hàng của mình cũng sẽ bị lôi kéo sang các gian hàng tương tự. Nói cách khác, trên sàn cơ hội cho các gian hàng cạnh tranh là ngang nhau, khách hàng có vô số sự lựa chọn dẫn tới cạnh tranh của người bán vô cùng khủng khiếp, từng giờ từng phút.
Điều quan trọng hơn, bán hàng trên sàn chắc chắn sẽ có những cuộc chạy đua về giá. Khách sẽ chỉ đợi giảm giá mới mua. Cuối cùng khách tới mua giảm giá sẽ bỏ đi khi có nhãn hàng khác có giá giảm hơn…
Bổ sung thêm khó khăn của hàng nông sản gặp phải khi lên sàn, ông Võ Đặng Thành Trung, Giám đốc điều hành công ty TNHH Womart D2C Việt Nam -cho biết: Nông sản về cơ bản là những mặt hàng khó bảo quản, dễ hư hỏng, tỷ lệ thất thoát, hao hụt cao, cần thời gian bán và giao hàng nhanh. Trong khi thực tế hiện nay các sàn thương mại điện tử chỉ giao nhanh trong nội thành chứ liên tỉnh có khi 2 đến 3 ngày. Do đó, ko có lý do gì người tiêu dùng phải chờ 3 đến 5 ngày để mua các sản phẩm nông sản và thực phẩm từ sàn thương mại điện tử, trong khi họ ra chợ là mua được ngay.
Chọn lọc nông sản, kéo giảm chi phí
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, để đưa nông sản lên sàn là khả thi phải có sự sàng lọc. “Không phải sản phẩm nông sản nào cũng có thể đưa kinh doanh trên sàn thương mại điện tử”- ông Tùng khẳng định và cho biết Vina T&T Group rất cẩn trọng trong việc chọn lựa sản phẩm để đưa lên sàn thương mại điện tử. Sản phẩm mà doanh nghiệp chọn là trái bưởi da xanh, đáp ứng được nhiều tiêu chí về ít hao hụt, dễ bảo quản - vận chuyển hơn so với các trái mỏng vỏ khác như xoài, vú sữa…
Ngoài ra, theo ông Tùng, còn 1 yếu tố rất quan trọng đối với mặt hàng trái cây tươi là sự đồng đều về chất lượng sản phẩm. Một diện tích trồng trọt sẽ cho ra nhiều size trái, đầu mùa và giữa mùa chất lượng trái khác nhau. Do vậy việc đảm bảo sự đồng đều chất lượng như công bố là điều không dễ dàng và rất quan trọng.
Ngoài việc chọn lựa nông sản, theo ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Kinh doanh và phân phối Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, có một thực tế rằng, các sàn thương mại điện tử quy mô hiện tại thường chỉ tập trung vào các thành phố lớn, nếu đưa các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP từ các vùng miền như núi, sâu, và xa lên sàn sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. “Trong khi chờ đợi sự đầu tư lớn từ phía nhà nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng hậu cần, chúng ta phải giải bài toàn này theo một cách khác. Đó là cần phải cân nhắc phát triển thị trường ở các khu vực lân cận và các thành phố nhỏ hơn, chứ không chỉ tập trung vào thị trường của các thành phố lớn như hiện tại”- ông Thế Anh nói.
Theo ông Thế Anh, đây cũng chính là chiến lược mà Buudien.vn đang tích cực phát triển để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong thị trường nông sản. Thay vì chỉ tập trung vào các thành phố lớn, như Hà Nội và Hồ Chí Minh, Buudien.vn đang nhắm đến các khu vực nông thôn và các thành phố nhỏ hơn dựa vào hệ thống các điểm giao dịch và bưu cục văn hoá xã phủ rộng khắp các tỉnh thành. Mục tiêu của Bưu điện Việt Nam là đưa các sản phẩm nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng ở những khu vực này, giúp tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các nông dân và nhà sản xuất nông sản tại các vùng nông thôn.