Cân bằng phát triển thủy sản gắn với bảo vệ môi trường

Chia sẻ:

Ngày 22/3, Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi thông tin về kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành thủy sản (01/4/1959-01/4/2024) và 10 năm ngày ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam (15/4/2014 – 15/4/2023).

 

Đội tàu cá khai thác xa bờ neo đậu tại Cảng cá Đông Hải (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN

Đội tàu cá khai thác xa bờ neo đậu tại Cảng cá Đông Hải (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, thủy sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng với các đề án, chương trình lớn, ngành sẽ có sự tăng trưởng mới. Ngành sẽ đi vào chiều sâu để cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Đó là ngành sẽ giảm phải khai thác, tăng nuôi trồng; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh với sự giảm phát thải; tuân thủ các định hướng các thị trường nhập khẩu.

Ông Trần Đình Luân cho biết: Ngành sẽ phải đẩy mạnh việc thực hiện các quy định pháp luật cùng cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân để các vùng nước, vùng biển Việt Nam luôn xanh sạch, sản phẩm thủy sản được gắn nhãn xanh và được thị trường ưa chuộng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng nông ngư dân gắn với thủy sản.

Nhìn lại chặng đường phát triển, ông Trần Đình Luân cho biết: Từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ thủy sản đã vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, ngư nghiệp. Thủy sản cũng đem lại nguồn thu lớn ngoại tệ cho đất nước khi những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu luôn ở mức cao; cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của ngư dân, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền cùng biển, đảo Tổ quốc.

Trong 65 năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển và hội nhập, trải qua 4 giai đoạn chính: giai đoạn thứ nhất từ năm 1959 – 1975, giai đoạn thứ hai 1976 – 1986, giai đoạn thứ ba từ năm 1986 – 1995 và giai đoạn thứ tư từ năm 1995 – nay.

Đặc biệt, giai đoạn thứ tư là giai đoạn phát triển ngành thủy sản một cách mạnh mẽ toàn diện. Sản xuất kinh doanh thủy sản chuyển biến vượt bậc theo hướng nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nghề cá cả nước, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Ngành thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995; nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023.

Với sự năng động sáng tạo của nông dân, doanh nghiệp, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường và đạt gần 11 tỷ USD (năm 2022). Từ đó, đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam).

Cùng với quá trình hình thành, lớn mạnh, những đóng góp to lớn cho đất nước của ngành thủy sản, luôn có sự đồng hành của lực lượng kiểm ngư. Kiểm ngư được hình thành, phát triển và thống nhất từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố ven biển theo Pháp lệnh số 18-LCT/HDNN8 ngày 05/5/1989 về Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Qua quá trình hoạt động, lực lượng Kiểm ngư đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ngày 29/11/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2012/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư. Ngày 15/4/2014, tại Đà Nẵng, lực lượng kiểm ngư chính thức ra mắt.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, kiểm ngư là lực lượng chuyên trách trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trước đây trực thuộc Tổng cục Thủy sản), có chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; tham gia phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền Quốc gia trên các vùng biển...

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư đã điều động hàng nghìn lượt tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển. Đồng thời, phát hiện, xử lý hàng chục nghìn lượt tàu cá vi phạm, lập biên bản, ra quyết định xử phạt hàng trăm tỷ đồng.

Trước tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và xử lý có những diễn biến phức tạp, dẫn tới cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, Cục Kiểm ngư được giao thêm nhiệm vụ thường trực công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đầu mối thực hiện xử lý hành vi vi phạm khai thác IUU.

Qua hơn 6 năm chống khai thác IUU, lực lượng kiểm ngư đã tập trung triển khai tuần tra, kiểm soát tại các vùng biển trọng điểm nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm trái phép vùng biển các nước để khai thác hải sản. Đến nay, số vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm đáng kể, 100% tàu cá đánh bắt xa bờ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác.

Cục Kiểm ngư đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế nhằm trao đổi thông tin, hợp tác với các quốc gia trong khu vực và thế giới, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, phối hợp trển khai các giải pháp nhằm hạn chế hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cục đã thực hiện ký kết thỏa thuận và Quy chế đường dây nóng về các vụ việc phát sinh của hoạt động nghề cá trên biển với Trung Quốc, Brunei; đang tiến hành đàm phán ký kết thỏa thuận, quy chế đường dây nóng với Thái Lan, Indonessia, Campuchia.

Ông Nguyễn Quang Hùng cho hay: Cục Kiểm ngư sẽ tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách kiểm ngư; đầu tư tàu kiểm ngư hiện đại; hoàn chỉnh tổ chức bộ máy, trong đó chú trọng phát triển kiểm ngư địa phương.

Cục tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên các vùng biển, kết hợp tuyên truyền về biển, đảo. Đồng thời, tập trung thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC để giữ uy tín, vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.