Cần Thơ: đầu tư gần 16 tỉ đồng cho cơ giới hóa nông nghiệp
UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về thực hiện chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp; chế biến nông lâm, thủy sản và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm đảm bảo tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa và nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường nông sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.
Người dân xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa. Ảnh: T.L
Đến năm 2030, các vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến các sản phẩm đặc sản, sản xuất nông nghiệp chủ lực của thành phố được cơ giới hóa toàn diện. Lĩnh vực chế biến nông sản đủ năng lực sản xuất gắn với phát triển thị trường theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cụ thể, mục tiêu cụ thể về cơ giới hóa nông nghiệp đối với lĩnh vực trồng trọt là đến năm 2025, cơ giới hóa đối với cây trồng chủ lực, đạt trên 90%, đến năm 2030 cơ giới hóa đồng bộ; lĩnh vực chăn nuôi, đến năm 2025, cơ giới hóa theo từng khâu trong chăn nuôi gia súc (heo, bò) và gia cầm (gà, vịt) đạt trên 80%, đến năm 2030, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% ở các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và quy mô lớn.
Về lĩnh vực thủy sản, đến năm 2025, cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% và đến năm 2030 đạt trên 90%, riêng khâu hút bùn ao trong quá trình nuôi, cho cá ăn, thu hoạch cá đạt 13% đến năm 2025 và đạt khoảng 40% đến năm 2030.
Về phát triển chế biến, bảo quản nông sản, tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông thủy sản đạt trên 8,0%/năm vào năm 2025 và 10%/năm vào năm 2030; trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông thủy sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên. Đồng thời, hình thành một số doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; các khu chế biến nông thủy sản gắn với phát triển các vùng nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đề ra 07 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: rà soát, hoàn thiện về cơ chế, chính sách; tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản; xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao kỹ thuật cơ giới hóa; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế; huy động nguồn lực.
UBND TP giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thành phố, UBND quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở, hàng năm căn cứ nội dung Kế hoạch này và dự toán được giao xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch này theo chức năng quản lý nhà nước và thẩm quyền được giao... Tổng kinh phí dự trù thực hiện kế hoạch gần 16 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và vốn đối ứng của người dân.