Cần tư duy thời đại để HTX phát triển xứng tầm
Những thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu thời gian qua cho thấy, nông nghiệp khó có thể trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế nếu như thiếu đi các HTX. Vậy nhưng, không chỉ người dân mà không ít cán bộ, cơ quan quản lý vẫn nghĩ về mô hình HTX bằng những tư duy lỗi thời
HTX nông nghiệp Đức Minh (Quảng Ngãi) đang gặp khó khăn do thiếu quỹ đất và nguồn vốn đầu tư trụ sở. HTX nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương mong muốn được thuê đất làm trụ sở nhưng chưa nhận được câu trả lời cụ thể.
Quản lý chưa phù hợp
Vì điều này mà HTX Đức Minh khó có thể kinh doanh, phát triển liên kết sản xuất một cách thuận lợi. Hiện, hoạt động của HTX chủ yếu tập trung vào dịch vụ thủy lợi. Trong khi số lượng thành viên lên đến hàng nghìn người, nhu cầu về các dịch vụ sản xuất kinh doanh và liên kết với doanh nghiệp rất lớn.
Ông Trần Văn Đạo, Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận với quỹ đất một cách phù hợp để giúp HTX tránh đánh mất các cơ hội trong sản xuất kinh doanh”.
Có thể thấy, vai trò của cấp ủy Đảng và chính quyền tại các địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển của các HTX, giúp các HTX tiếp cận chính sách hỗ trợ. Vì theo Luật HTX, HTX được tạo điều kiện tiếp cận chính sách về đất đai nhưng do địa phương chưa thực sự để ý đến nguyện vọng của HTX cũng như thiếu quỹ đất, không dành quỹ đất riêng cho HTX theo chính sách của Nhà nước mà nhiều HTX đang đứng trước cảnh “lực bất tòng tâm”.
Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm đến HTX thì nơi đó, HTX sẽ phát triển.
Ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dương Liễu (Hà Nội), cho rằng hiện nay tại nhiều xã ở miền Bắc có 4, 5 HTX nhưng nguồn vốn rất hạn hẹp, khó thu hút lao động…, mà nguyên nhân chính là do sự quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa phù hợp.
Có thể cơ quan quản lý địa phương buông lỏng, không đồng hành cùng mô hình kinh tế tập thể (KTTT), lo ngại về sự thành công của mô hình HTX, nhưng cũng có thể chính quyền địa phương can thiệp quá sâu vào nội bộ công việc của HTX, làm mất thực quyền của Đại hội thành viên theo Luật HTX. Những điều này dẫn tới HTX khó khai thác tiềm năng lợi thế tại địa phương, khó phát triển, tổ chức các dịch vụ cũng như hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế.
Đặc biệt, một số cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và tính tất yếu khách quan của KTTT, HTX nên chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động phát triển, bố trí nguồn lực phù hợp trong thực hiện cơ chế, chính sách. Đây cũng là một trong những lý do làm cho chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX chậm được triển khai trong thực tiễn, khó đến được với các HTX.
Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Nguyễn Úy (Hà Nam), chia sẻ, nhiều khi HTX không biết làm việc trực tiếp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT hay đơn vị nào để tiếp cận chính sách hỗ trợ. Điều này là vì sự phối hợp của các ban ngành chưa thực sự nhuần nhuyễn nên quá trình tiếp cận các chương trình hỗ trợ của HTX còn chưa kịp thời, trong khi nông sản chỉ có thời vụ.
Hạn chế thủ tục rườm rà với HTX
Theo các chuyên gia, việc nhiều cơ quan quản lý tại địa phương chưa quan tâm đến mô hình HTX thường là do chưa hiểu rõ về vai trò, bản chất, vai trò của mô hình KTTT.
Trong khi đó, KTTT, HTX từ trước đến nay luôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là khu vực nông nghiệp và nông thôn. HTX có vai trò kết nối gắn kết người dân lại với nhau để cùng thực hiện các hoạt động tập thể mà một hộ dân không hoặc khó có thể thực hiện được. Những năm gần đây, KTTT vẫn được đánh giá là phát triển tuy chậm mà chắc, đặc biệt là đóng góp không nhỏ vào tái cơ cấu nông nghiệp, xuất khẩu.
TS.Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nâng cao và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp,Viện KHNN Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết vì chưa hiểu đúng, chưa hiểu đủ về mô hình HTX mà nhiều địa phương chưa đưa ra được những định hướng, chính sách cũng như chưa bố trí nguồn ngân sách phù hợp cho phát triển HTX. Ở nhiều địa phương, quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ còn chồng chéo và chưa thực sự hiệu quả.
Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 5/9/2022 Chính phủ về cho phép chuyển đổi đất trồng lúa nhưng yêu cầu phù hợp với điều kiện, kế hoạch phát triển kinh tế, nông nghiệp tại địa phương. Điều này đang khiến không ít HTX gặp khó khăn vì thực tế chuyển đổi sản xuất của HTX lại chưa khớp với kế hoạch phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Ngoài ra, HTX tiếp cận chính sách chưa thật sự thuận lợi, nhiều HTX không có được thông tin về chính sách, đặc biệt là các HTX ở vùng sâu vùng xa, mới thành lập và HTX hoạt động còn kém hiệu quả. Nhiều địa phương chỉ tập trung, quan tâm, hỗ trợ các HTX điển hình, đã khá mạnh.
Do việc lãnh đạo còn mang tính hình thức nên hầu hết các tỉnh, thành còn thiếu nghiên cứu, phân tích tổng thể về HTX trên địa bàn, từ đó không thể đánh giá và có các giải pháp tác động và hỗ trợ kịp thời, giúp HTX phát triển đúng hướng và ngày càng tốt hơn.
Để KTTT, HTX thực sự có bước chuyển biến tích cực, các chuyên gia cho rằng cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về loại hình HTX nông nghiệp giữa các đơn vị: Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh.
Tại khoản 2, điều 28, Nghị định 193/2013/NĐ- CP có giao nhiệm vụ cho bộ máy quản lý nhà nước về KTTT và Nghị định 107/2017/NĐ- CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 193/2013/NĐ- CP có giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn cụ thể hoạt động đặc thù và chế độ báo cáo (quản lý nhà nước) trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, những quy định này vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các Sở, ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với loại hình HTX, liên hiệp HTX. Do đó, việc quản lý nhà nước đôi lúc còn chồng chéo giữa các ngành.
Tại nhiều huyện, thị, các vướng mắc cũng tương tự. Hiện, có rất nhiều cơ quan như Phòng tài chính kế hoạch, Phòng NN&PTNT quản lý HTX nông nghiệp quản lý về KTTT, HTX. Trong khi hệ thống Liên minh HTX hiện chỉ hoạt động đến cấp tỉnh, thành.
Do đó, cần chỉ đạo các địa phương xác định rõ vai trò, trách nhiệm về phát triển KTTT, trọng tâm là HTX. Các nhiệm vụ, giải pháp phải được cụ thể hóa bằng chỉ tiêu của nghị quyết hoặc các chương trình hành động cụ thể của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cấp huyện, xã từ đó mới giúp HTX hạn chế những thủ tục rườm rà, đến nhanh và trúng các chính sách hỗ trợ.