Chắp cánh cho sản phẩm OCOP xứ quảng vươn xa
Bài 1: Những tín hiệu vui
Gạo ST 24 Gò Nổi - sản phẩm nổi bật đồng bằng Quảng Nam.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, trao đổi: 5 năm qua, nhờ vào sự cuộc quyết liệt của ngành liên quan và chính quyền các cấp, đặc biệt là tinh thần nỗ lực vượt khó của các chủ thể sản phẩm nên việc thực hiện chương trình OCOP của Quảng Nam đạt thành quả lớn, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có gần 400 sản phẩm với đa chủng loại, ngành hàng được xếp hạng OCOP, trong đó hơn 60 sản phẩm 4 sao, 331 sản phẩm 3 sao. Với kết quả đó, Quảng Nam nằm trong tốp 10 địa phương có số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhiều nhất. Đáng ghi nhận là, sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, hầu hết sản phẩm đều tăng ít nhất 30% sản lượng tiêu thụ và doanh thu, thậm chí một số sản phẩm tăng gấp 2 lần.
Theo tìm hiểu, phong trào OCOP tại Quảng Nam được triển khai đồng bộ và được người dân từ miền xuôi đến miền ngược tích cực hưởng ứng, tham gia. Ông Nguyễn Đức Chơi-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, cho biết: nhờ nỗ lực triển khai hiệu quả nhiều phần việc, đến cuối năm 2023 trên địa bàn thị xã có tổng cộng 34 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP (gồm 3 sản phẩm 4 sao và 31 sản phẩm 3 sao) của 26 chủ thể. Trong đó, có 5 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã và 14 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể. Tương tự, ông Nguyễn Văn Húy-Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, trao đổi, qua 3 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, địa phương đã có 31 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao đến 4 sao. Trong đó, có nhiều đặc sản mang tính vùng miền, như: phở khô Hương Huệ, dầu tràm Linh Vũ, nước mắm Cửa Khe, yến tinh chế sấy khô, hương trầm, hương quế đặc biệt, tinh bột nghệ Tabitha, nếp hương lân Trường Giang... Tại các địa phương, như: TP Hội An, TX Điện Bàn, Đại Lộc… cũng có hàng trăm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp nông thôn, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo được du khách và người dân đón nhận.
Không riêng gì những địa phương miền xuôi, các huyện miền núi, như: Tiên Phước, Đông Giang, Bắc Trà My… phong trào OCOP cũng được người dân đón nhận một cách tích cực. Hàng loạt các sản phẩm đặc sản mang tính vùng miền được các địa phương cho ra đời. Ông A Vô Tô Vích Phương-Chủ tịch UBND H. Đông Giang, tâm sự: OCOP đã tạo động lực giúp các xã tại Đông Giang đẩy mạnh phát triển sản phẩm đặc trưng, thế mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, tạo động lực giảm nghèo. Hiện tại, địa phương này có 16 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm 4 sao và 14 sản phẩm OCOP 3 sao. Đến năm 2025, huyện Đông Giang phấn đấu có 35 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Theo ông Lê Duy Trường - Giám đốc HTX Nông nghiệp Xã Tư, huyện Đông Giang, từ khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm chè dây Ra Zéh của HTX được nhiều người biết đến, qua đó giúp việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi. HTX mong muốn chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho sản phẩm, xúc tiến thương mại đến người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho HTX và người dân, giải quyết việc làm ổn định cho các hộ gia đình thành viên. Ngoài chè dây Ra Zéh, tại Đông Giang còn có sản phẩm ớt A Riêu của HTX Nông nghiệp Mà Cooih OCOP đạt chuẩn 4 sao và được đưa lên sàn thương mại điện tử…
Tại huyện miền núi Bắc Trà My, tính đến nay đã có 9 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó sản phẩm tinh dầu quế Trà My-Minh Phúc là một trong những sản phẩm đầu tiên được công nhận danh hiệu này. Ông Nguyễn Thành Quảng - Giám đốc Hợp tác xã quế Trà My-Minh Phúc, cho biết: dựa vào kinh nghiệm quý báu của cha ông và cũng là để góp phần nâng cao giá trị cây quế Trà My, sản phẩm tinh dầu quế Trà My-Minh Phúc đã ra đời sau bao năm ấp ủ ý tưởng, học hỏi công nghệ. Sản phẩm là phần tinh túy nhất của quế Trà My, được khách hàng khắp nơi biết đến và ưa chuộng. Tương tự, tại huyện Nam Trà My ngoài sản phẩm sâm Ngọc Linh nổi tiếng, người dân cũng biết tận dụng những sản phẩm của núi rừng cho ra những sản phẩm rượu lúa rẫy, rượu lá sâm được người tiêu dùng gần xa đón nhận.
Có thể nói đây là những tín hiệu vui, khi bước đầu những người nông dân biết tận dụng những nông sản bình thường tại địa phương để tạo nên những sản phẩm mang tính đặc trưng, có giá trị kinh tế cao hơn.