Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên tôm
Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khiến môi trường nước biến động, thuận lợi cho các mầm bệnh nguy hiểm, tiềm ẩn trong môi trường nước bùng phát, gây thiệt hại nghiêm trọng trên tôm nuôi, đặc biệt là bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh vi bào tử trùng. Bộ NN&PTNT và các địa phương đã có những chỉ đạo kịp thời, để đảm bảo cho vụ nuôi thành công và hạn chế thiệt hại.
Tích cực, chủ động
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã thả nuôi trên 226 triệu con tôm sú giống trên diện tích 5.616 ha, đạt 23,9% kế hoạch; thả hơn 1,2 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 1.845 ha, đạt 23,9%. Từ đầu vụ nuôi đến nay, toàn tỉnh đã thiệt hại hơn 10 triệu con tôm sú giống với diện tích hơn 82 ha và gần 92 triệu con tôm thẻ chân trắng với diện tích gần 100 ha.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ, tránh dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các ngành liên quan, UBND các địa phương tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi, giúp người dân chủ động cách phòng, chống.
Ngày 16/2/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Công văn số 622/UBND-KTTH, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện: Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải và TP Phan Rang – Tháp Chàm, khẩn trương tổ chức triển khai công tác phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 về Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030); chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4619/UBND-KTTH ngày 2/11/2023, về việc tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác thú y thủy sản và Kế hoạch số 4696/KH-UBND ngày 9/11/2023 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 28/2/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Công văn số 1875/UBND- NN yêu cầu các Sở: NN&PTNT, Tài chính và UBND các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TP Huế tổ chức đẩy mạnh giám sát, chủ động kịp thời cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh; xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm an toàn dịch bệnh.
Các giải pháp phòng, chống dịch bệnh
Hiện, Cục Thú y đang khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, tổ chức triển khai: Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 – 2030; Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản năm 2024 của Bộ NN&PTNT; Kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản của các địa phương. Đồng thời, theo dõi diễn biến tình hình dịch trên tôm ở các địa phương (đặc biệt hiện tượng tôm chết nhiều, chết bất thường tại một số vùng nuôi).
Tổ chức giám sát dịch bệnh tại các vùng nuôi. Tổ chức giám sát một số tác nhân gây bệnh mới (TPD, DIV1…), bệnh nguy hiểm trên tôm có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước. Tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại một số vùng nuôi trọng điểm, hỗ trợ bảo đảm mục tiêu sản xuất NTTS theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT và các địa phương. Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Hỗ trợ, phối hợp với các Chi cục Chăn nuôi và Thú y địa phương, để hướng dẫn, thẩm định, công nhận an toàn dịch bệnh, đối với các cơ sở sản xuất tôm giống, tôm thương phẩm.
Thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống, quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y. Các địa phương xem xét kiện toàn, bố trí, sắp xếp đủ số lượng kiểm dịch viên, bảo đảm nguồn lực, để thực hiện công tác kiểm dịch tôm giống. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố, cần tổ chức thực hiện kiểm dịch chặt chẽ, đối với tôm giống vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các tỉnh, thành phố, về việc kiểm dịch tôm giống. Tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về thú y và thủy sản, nâng cao nhận thức và ý thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh thủy sản. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kiểm dịch tôm giống…
Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho hệ thống thú y thủy sản từ Trung ương đến địa phương. Nâng cao năng lực chẩn đoán xét nghiệm bệnh thủy sản. Nâng cao năng lực giám sát an toàn dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh, phân tích và quản lý dữ liệu, đánh giá nguy cơ dịch bệnh thủy sản. Phối hợp với các đơn vị báo chí, truyền thông, để tuyên truyền các bệnh nguy hiểm trên thủy sản. Chú ý quản lý, sử dụng kháng sinh có trách nhiệm và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, an toàn dịch bệnh.
Theo kế hoạch năm 2024, Cục Thủy sản, Cục Thú y sẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia, để nghiên cứu các mô hình, giải pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên tôm, tác nhân gây bệnh mới, các quy trình chẩn đoán bệnh, bảo đảm xét nghiệm chính xác tác nhân gây bệnh… Tiếp tục phối hợp và cộng tác với các tổ chức quốc tế trong công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn dịch bệnh và tìm hiểu các quy định quốc tế, nhằm hỗ trợ các cơ sở trong công tác phòng chống dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu của các nước xuất khẩu.
Đặc biệt, trong tháng 3/2024, Bộ NN&PTNT Việt Nam sẽ phối hợp với Đại sứ quán Australia và Bộ Nông nghiệp Australia, tổ chức Hội thảo về an toàn sinh học, đối với các trang trại NTTS quy mô nhỏ lẻ tại Việt Nam.