Chú trọng bảo hộ sở hữu trí tuệ trong khu vực kinh tế tập thể

Chia sẻ:

Thanh Hóa có 1.329 HTX và 2.556 tổ hợp tác (THT), trong đó có hàng nghìn đơn vị trực tiếp tham gia sản xuất, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dược liệu... theo quy mô hàng hóa. Tuy nhiên, không ít sản phẩm của HTX dù có chất lượng tốt, song sức cạnh tranh thấp, việc tiêu thụ sản phẩm khó, giá trị kinh tế không cao.

 

Sản phẩm chế biến từ hải sản của HTX Chế biến thủy sản Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) đã bảo hộ sở hữu trí tuệ nên được thị trường tin dùng.

Trước thực trạng trên, đòi hỏi các HTX cần chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, quan tâm thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại sản phẩm, cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ thương hiệu, uy tín của sản phẩm.

Theo khảo sát của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số HTX, THT đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thành công. Trong đó, có 102 HTX, 10 THT đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thành công sản phẩm OCOP nhưng vẫn còn nhiều đơn vị trong khu vực kinh tế tập thể (KTTT) đang “bỏ ngỏ” lĩnh vực này gây ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm.

Giám đốc HTX Chế biến thủy sản Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) Nguyễn Thế Hoàng, cho biết: Tại các địa phương ven biển của tỉnh và trên cả nước đều có những công thức, cách làm riêng để tạo ra các sản phẩm có hương vị, chất lượng khác nhau. Do đó, để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, không bị hòa lẫn trong “thế giới” những sản phẩm cùng loại, ngay khi nghiên cứu, phát triển ra công thức sản phẩm, HTX đã liên hệ với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho thương hiệu sản phẩm Vị Thanh. Nhờ đó, khi tiêu thụ trên thị trường, sản phẩm có sức cạnh tranh, có “định vị” để người tiêu dùng nhận diện, không bị nhầm lẫn với những sản phẩm cùng loại.

Hay đối với những đơn vị KTTT được thành lập trên cơ sở, nền tảng phát huy nghề truyền thống, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ không chỉ là trách nhiệm nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn là nghĩa vụ bảo vệ sự sáng tạo, sức lao động của tập thể người dân địa phương. Những sản phẩm có sự vượt trội và thể hiện được vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sản xuất như miến gạo Thăng Long, xã Thăng Long (Nông Cống), bánh lá răng bừa Xuân Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân), tương làng Ái (Yên Định)... Không còn là những sản phẩm được hộ sản xuất nhỏ lẻ, tiêu thụ tự do trên thị trường, mà ngay sau khi liên kết các hộ sản xuất, thành lập được HTX, THT, hầu hết các sản phẩm đều được chủ thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Khi bảo đảm các tiêu chí quy định, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) sẽ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã vạch cho sản phẩm. Khi đó, HTX, THT đóng vai trò là cầu nối giữa các hộ sản xuất với cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy nghề phát triển phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhờ có bảo hộ nhãn hiệu tập thể nên sức tiêu thụ sản phẩm trên thị trường được bảo đảm, lợi thế hơn với những sản phẩm cùng loại chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu.

Sản phẩm Trà Song Linh của HTX Thương mại, dịch vụ và Xuất nhập khẩu Song Linh, xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy) được chứng nhận OCOP 3 sao và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.

Bà Lương Thị Thúy, thành viên THT sản xuất, kinh doanh dịch vụ tương làng Ái, xã Định Hải (Yên Định), cho biết: Từ năm 2019 gần 20 hộ sản xuất của địa phương đã liên kết thành lập THT để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, thống nhất kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm và tiến tới bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Sau khi khẳng định được chất lượng thông qua quy trình sản xuất, sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Được công nhận giá trị, thương hiệu đã tạo động lực để các hộ sản xuất tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, trở thành “bệ đỡ” vững chắc để sản phẩm có sức vươn xa hơn trên thị trường.

Một thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh với sự tương đồng về văn hóa sản xuất, sinh hoạt nên nhiều HTX, THT cùng sản xuất một mặt hàng là sản phẩm đặc trưng ở địa phương. Dĩ nhiên, mỗi sản phẩm đều mang một “màu sắc” riêng, song không phải người tiêu dùng nào cũng có thể phân biệt được. Chưa kể, trong môi trường xã hội hiện nay, việc làm giả, nhái những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng đang diễn ra nhiều. Do đó, các chủ thể, nhất là các HTX, THT mong muốn phát triển những ngành nghề truyền thống, sản xuất những sản phẩm đặc trưng của địa phương cần có ý thức đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo hộ cho sản phẩm khi lưu thông trên thị trường.

Góp phần hỗ trợ các HTX, THT triển khai thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, hằng năm Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bảo hộ nhãn hiệu cho các HTX, THT. Ngoài ra, theo Quyết định 4408/QĐ-UBND ngày 5/11/2021 của UBND tỉnh, hằng năm thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các sở, ngành, địa phương sẽ hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của tỉnh.