Bộ NN&PTNT phản hồi về cấp phép thức ăn chăn nuôi và thủy sản chứa tiền chất formic acid
Ngày 2/8/2024, tại công văn số 5620/BNN-CN, Bộ NN&PTNT cho biết, nhận được văn bản số 4342/VPCP-KGVX ngày 21/6/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến đối với kiến nghị của Bộ Công an tại văn bản số 1960/BCA-V01 ngày 10/6/2024 liên quan đến việc cấp phép thức ăn chăn nuôi và thủy sản chứa tiền chất formic acid. Sau khi xem xét các văn bản, Bộ NN&PTNT có ý kiến như sau:
Về thực trạng sử dụng formic acid đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản
Formic acid được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản với nhiều mục đích và công dụng khác nhau như: kiểm soát nấm mốc trong thức ăn, điều chỉnh pH trong đường tiêu hoá, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại trong đường tiêu hóa, hỗ trợ sự tiêu hoá và hấp thu các chất dinh dưỡng…
Formic acid có thể được sử dụng trong sản xuất các loại thức ăn khác nhau như thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung. Formic acid có thể đóng vai trò là chất chính hoặc cũng có thể là phụ gia của một sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, do vậy hàm lượng formic acid trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào công dụng của formic acid trong sản phẩm và công dụng của sản phẩm thương mại đó đối với vật nuôi.
Formic acid là nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản (Ảnh: Internet)
Đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, formic acid là nguyên liệu có trong Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi được quy định tại Phụ lục VI Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi;
Đối với nguyên liệu thức ăn thủy sản, formic acid là nguyên liệu có trong Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam được quy định tại Phụ lục XX Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Ý kiến của Bộ NN&PTNT
Trên cơ sở các quy định hiện hành nhằm đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào, sản phẩm có chứa tiền chất là formic acid sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản, Bộ NNN&PTNT có ý kiến như sau:
Đối với đề xuất của Bộ Công an tại Văn bản số 1960/BCA-V01 ngày 10/6/2024:
– Đồng ý với kiến nghị của Bộ Công an về việc giao Bộ Công Thương thực hiện cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu đối với thức ăn thủy sản có chứa tiền chất; Có biện pháp quản lý thức ăn chăn nuôi có chứa tiền chất formic acid theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy; Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Phòng, chống ma túy; Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất.
– Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát và kiến nghị Chính phủ đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp các tiền chất ma túy sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.
*Ngoài formic acid, hiện nay có một số tiền chất khác đang được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi như: ammonium formate, acetic acid, hydrochloric acid, sulfuric acid, tartaric acid (thuộc Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT). Do đó, đề nghị Bộ Công Thương có giải pháp quản lý đối với các tiền chất này tương tự như formic acid.
Đề nghị Bộ Công an thực hiện một số nội dung sau:
– Rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như Luật phòng, chống ma túy; Nghị định số 105/2021/NĐ-CP; Nghị định số 57/2022/NĐ-CP để có căn cứ quản lý sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có chứa tiền chất ma túy.
– Xem xét, rà soát và bổ sung Phụ lục IVB (Các tiền chất là hóa chất, dung môi, chất xúc tác dùng trong quá trình sản xuất chất ma túy) Nghị định số 57/2022/NĐ-CP, vì ngoài formic acid và ammonium formate, formic acid còn tồn tại ở một số dạng khác và đang được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản như: sodium formate, potasium formate, potassium diformate, calcium formate.