Cầu Ngang: Vùng nguyên liệu đa dạng, ổn định trong phát triển sản phẩm OCOP
Đến cuối tháng 7/2024, huyện Cầu Ngang có 32 sản phẩm/26 chủ thể được công nhận đạt OCOP (28 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; 04 sản phẩm đạt OCOP 4 sao); tập trung nhiều ở lĩnh vực thủy sản, lương thực, thực phẩm. Đa số các sản phẩm OCOP đều có vùng nguyên liệu đa dạng và ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển mở rộng về sản lượng cho các sản phẩm OCOP...
Kiểm tra, phân cỡ nguyên liệu tôm tại hộ kinh doanh Nguyễn Thị Trúc Phương trước khi đóng gói.
Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, hàng năm, diện tích canh tác lúa gần 9.000ha; đậu phộng gần 3.000ha; khoảng 5.000ha nuôi tôm nước lợ…
Đồng chí Nguyễn Thành Chiến, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết: hiện nay, đối với các sản phẩm OCOP được chế biến và sử dụng các nguyên liệu thành phần như gạo, nếp, đậu phộng, khoai mì, tôm… trên địa bàn huyện có vùng nguyên liệu rất đa dạng và ổn định. Các cơ sở và hộ kinh doanh sẽ thuận lợi trong việc liên kết nguồn nguyên liệu để sản xuất với sản lượng lớn, giảm chi phí so với việc mua nguyên liệu từ các nơi khác về.
Với vùng nguyên liệu phong phú, diện tích lớn và ổn định đã tác động rất lớn cho các sản phẩm OCOP ở Cầu Ngang phát triển, mở rộng. Như các sản phẩm OCOP về thủy sản (tôm khô, tôm xẻ, lươn thịt) đang được các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến theo hình thức mua nguyên liệu từ hộ nuôi thủy sản và nguồn nguyên liệu lấy trực tiếp từ gia đình đang nuôi.
Chị Nguyễn Thị Trúc Phương, ấp Khúc Ngay, xã Hiệp Mỹ Đông chia sẻ: ở địa phương có diện tích nuôi thủy sản (tôm nước lợ) rất lớn; nhưng giá bán mặt hàng tôm nguyên liệu không ổn định, người nuôi nhiều lúc phải thua lỗ do giá tôm giảm. Năm 2022 - 2023, gia đình bắt đầu tìm tòi về chế biến sản phẩm tôm xẻ 01 nắng có tẩm ướp gia vị; đến cuối năm 2023, sản phẩm tôm xẻ được công nhận OCOP 3 sao. Từ đó, sản phẩm đã được khách hàng biết đến, việc tiêu thụ cũng thuận lợi… thị trường tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành trong nước.
Mặc dù với sản lượng tôm tiêu thụ chưa được nhiều (dao động khoảng 03 tấn/tháng), nhưng sản phẩm OCOP 3 sao tôm xẻ của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Trúc Phương đã tạo hướng đi mới vào thị trường cho người tiêu dùng biết đến về tính đa dạng trong chế biến của con tôm nước lợ. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị đầu ra cho sản phẩm con tôm nuôi nước lợ ở vùng đất ven biển huyện Cầu Ngang.
Cũng theo chị Trúc Phương, bên cạnh sản phẩm tôm xẻ; thời gian tới, gia đình tiếp tục tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để đưa ra thị trường các sản phẩm từ con tôm, như: tôm sấy dẻo; tôm sấy muối ớt; tôm sấy sa tế. Các nguyên liệu (tôm sú) được chọn, mua sản phẩm được nuôi theo hướng đảm bảo an toàn, không kháng sinh… để khi sản phẩm sau chế biến đạt yêu cầu theo công bố chất lượng từ ngành chuyên môn.
Sản phẩm OCOP 3 sao hủ tiếu sợi Minh Cường của hộ kinh doanh Hồ Minh Cường, ấp Nô Công, xã Thuận Hòa, với nguồn nguyên liệu chủ yếu là gạo (95%) và một phần bột mì; hàng tháng nguyên liệu tiêu thụ từ 05 - 06 tấn gạo (tương đương 10 tấn lúa/tháng). Ngoài sản phẩm hủ tiếu Minh Cường, hiện ở ấp Nô Công còn có khoảng 30 hộ là thành viên Hợp tác xã hủ tiếu Nô Công, tham gia làm các sản phẩm hủ tiếu, bún… lượng gạo tiêu thụ của hợp tác xã khoảng 350 - 400 tấn/năm.
Theo ông Hồ Minh Cường: để có sản phẩm hủ tiếu đạt chất lượng (dai, dẻo, trong…), nguyên liệu gạo khi mua phải đảm bảo được lúa cũ (thời gian lúa nằm kho từ 05 - 06 tháng trở lên); gạo làm bột là giống lúa OM504. Với việc tiêu thụ 01 lượng lớn gạo ở làng nghề hủ tiếu Nô Công, đã góp phần tạo điều kiện nâng cao giá trị hạt gạo cho người trồng lúa trong và ngoài huyện liên kết, cung ứng sản phẩm cho các hộ ở trong và ngoài hợp tác xã.