Chương Mỹ nâng chất sản phẩm OCOP từ lợi thế
Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Chương Mỹ đã khai thác tối đa lợi thế, xây dựng nhiều sản phẩm giá trị, đặc trưng, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Từ hiệu quả của chương trình, Chương Mỹ tập trung nâng chất các sản phẩm OCOP trong giai đoạn tới.
Công nhân Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) trồng và chăm sóc lan hồ điệp.
Tạo ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn
Thụy Hương vốn là xã trọng điểm sản xuất nông nghiệp của huyện Chương Mỹ. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànôịmới, nhiều nông dân ở đây cho biết đã chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp có mức thu nhập cao hơn, ổn định hơn... Không riêng Thụy Hương, nông dân nhiều xã thuần nông, như: Đại Yên, Lam Điền, Hoàng Diệu, Thượng Vực... không còn mặn mà với việc cấy lúa, trồng ngô, khoai... Trước thực trạng này, huyện Chương Mỹ đã quy hoạch lại ruộng đồng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh, tập trung thực hiện Chương trình OCOP... Dồn lực thực hiện các giải pháp này, huyện Chương Mỹ hiện có nhiều sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Theo lãnh đạo và nhiều người dân huyện Chương Mỹ, nhờ có Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP, địa phương đã hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thu nhập cao hơn nhiều lần so với canh tác truyền thống... Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh cây cảnh Thụy Hương Nguyễn Duy Năm cho biết, khai thác lợi thế về đất đai, địa bàn ven đô, hợp tác xã thuê 12.000m2 đất của nông dân địa phương, 32 xã viên góp hơn 15 tỷ đồng xây dựng 7.000m2 nhà kính, hệ thống điều hòa nhiệt độ, điều chỉnh ánh sáng, tưới nước tự động để trồng hoa lan hồ điệp... Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường Thủ đô hơn 90.000 giò lan đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao, tổng doanh thu khoảng 12 tỷ đồng. Ngoài thu hút 3 kỹ sư nông nghiệp, hợp tác xã đang sử dụng khoảng 10-30 nông dân địa phương với mức trả lương 6-10 triệu đồng/người/tháng.
Nhận thấy địa phương có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, diện tích đất đai lớn..., ông Phan Trung Kiên ở xã Đại Yên đã thành lập Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long để trồng và chế biến các sản phẩm OCOP trà túi lọc mang thương hiệu SADU. Áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn, công ty này phát triển sang lĩnh vực chăn nuôi gà sạch lấy trứng. Những dược liệu không đạt chất lượng làm trà sẽ được nghiền, phối trộn ngô, gạo làm thức ăn cho gà. Phân của gà được thu gom, xử lý để bón cho diện tích trồng dược liệu.
“Ngoài ăn uống thảo dược, những con gà chúng tôi nuôi trong chuồng trại có điều hòa nhiệt độ, sạch sẽ và được nghe nhạc, ngủ trưa... Do vậy, sản phẩm trứng gà của chúng tôi làm ra có hàm lượng cholesterol rất thấp, không tồn dư chất kháng sinh, mùi rất thơm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng khó tính, quan tâm sức khỏe...”, ông Phan Trung Kiên chia sẻ.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Cường thông tin, trước đây, đa số sản phẩm nông sản của địa phương được người dân sản xuất quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún, việc tiêu thụ chủ yếu qua thương lái... Từ khi triển khai Chương trình OCOP, nông sản của Chương Mỹ được chú trọng về khâu bao bì, thương hiệu, nhãn mác, có truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, khi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP, nhiều chủ thể mạnh dạn áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn...
Chuẩn hóa chất lượng sản phẩm
Sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP, 21 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ đã có 178 sản phẩm OCOP được phân hạng từ 3 sao trở lên. Một số chủ thể tiêu biểu có nhiều sản phẩm OCOP được cấp sao, như: Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long với sản phẩm trà túi lọc, trứng gà thảo dược; Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam với các sản phẩm nước tẩy trang, gội đầu, rửa mặt, tẩy da chết làm từ hoa hồng; Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn với nhiều sản phẩm rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP...
Với kết quả trên, huyện Chương Mỹ được Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá là địa phương dẫn đầu thành phố trong thực hiện Chương trình OCOP. Điều quan trọng hơn, người dân Chương Mỹ đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của Chương trình OCOP; tiếp tục xây dựng kế hoạch khai thác lợi thế địa phương, nâng tầm sản phẩm OCOP...
Để nâng tầm và phát triển bền vững sản phẩm OCOP, người dân mong muốn các cấp, ngành tạo thuận lợi hơn nữa trong việc tích tụ đất đai, mở rộng vùng nguyên liệu; được xây dựng kho xưởng chế biến, bảo quản sản phẩm trên đất nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư công trình tiêu thoát nước, hệ thống cung cấp điện... “Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng cho thuê thêm 5.000m2 đất để xây dựng công trình mở rộng khu nuôi trồng lan hồ điệp. Bởi diện tích hiện tại còn nhỏ, số lượng hoa lan làm ra không đủ đáp ứng các đơn đặt hàng và nhu cầu của thị trường...”, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh cây cảnh Thụy Hương Nguyễn Duy Năm đề xuất.
Liên quan đến vấn đề trên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Cường cho biết, huyện đã báo cáo cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn cho người dân tích tụ đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các sản phẩm OCOP...
Thực tế những năm qua, huyện Chương Mỹ luôn quan tâm định hướng, tư vấn, giúp người dân nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm OCOP theo hướng chuẩn hóa chất lượng... Cùng với đó, huyện Chương Mỹ đã quan tâm quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, Chương Mỹ cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện văn hóa, du lịch, các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến… để lan tỏa các sản phẩm OCOP đặc thù, độc đáo, đặc sắc của địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài nước...