Hạ Hòa nâng tầm giá trị nông sản địa phương
Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) được ví như 'làn gió mới' thúc đẩy ngành nông nghiệp ở huyện Hạ Hòa vốn quen với tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nay đã khoác lên mình diện mạo mới với quy mô mở rộng thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Qua đó, tạo nên hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống. Đây là yếu tố cần thiết cho sự phát triển kinh tế nông thôn, hướng đến giảm nghèo bền vững.
Sản phẩm OCOP của huyện Hạ Hòa phong phú về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Xã Yên Kỳ được biết đến là địa phương có truyền thống trồng chè cách đây trên 100 năm. Trước kia, bà con trong xã chủ yếu canh tác cây chè theo tập quán cũ cho năng suất thu hoạch và chất lượng thấp. Vì thế, chưa khi nào giống cây trồng này được coi là thế mạnh để phát triển kinh tế ở địa phương.
Từ khi tham gia Chương trình OCOP và được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao vào năm 2020 đã giúp nghề trồng chè của các thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất và chế biến chè Yên Kỳ nâng cao giá trị sản phẩm. HTX đã vận động các hộ xã viên trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, với các giống chè mới như: BH, Ấn Độ, lai LDT1, LDT2... cho năng suất, chất lượng cao. Trong đó, tập trung trồng giống chè LDT1 để xây dựng sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và chế biến chè Yên Kỳ cho biết: HTX hiện có 35 hộ xã viên tham gia trồng hơn 12ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi được công nhận, giá bán chè thành phẩm cũng tăng cao hơn trước. Nếu như trước kia sản phẩm chè khô đóng gói không có bao bì, nhãn mác thì chỉ bán với giá 150 nghìn đồng/kg. Còn nay, HTX được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, sản phẩm có nhãn mác, bao bì bắt mắt đã góp phần nâng cao giá trị với giá bán trung bình 220 nghìn đồng/kg.
Nhằm thúc đẩy các địa phương cùng vào cuộc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2021-2023, huyện Hạ Hòa đã huy động hơn 10,6 tỷ đồng hỗ trợ máy móc, thiết bị, tem nhãn, bao bì... nhằm nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện còn tăng cường hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh các sản phẩm xây dựng theo kế hoạch, huyện khuyến khích các xã, thị trấn phát triển các sản phẩm tiềm năng, đặc trưng, đặc sản, sản phẩm truyền thống; tập trung rà soát, khôi phục, hỗ trợ và phát triển sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống. Hoạt động kiểm tra, giám sát được coi là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hàng năm, UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, giám sát chặt chẽ đối với các sản phẩm được cấp tem, nhãn OCOP..., xử lý nghiêm các sản phẩm vi phạm theo quy định.
Với phương châm không chạy theo số lượng, quan tâm đến chất lượng và uy tín của sản phẩm, Hội đồng đánh giá, phân hạng đã thực hiện quy trình đánh giá công khai minh bạch, bám sát bộ tiêu chí, đúng quy định.
Đến nay, toàn huyện đã có 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó 4 sản phẩm 4 sao, 14 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Giá trị sản lượng hàng hóa của các sản phẩm OCOP tăng đều theo các năm, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, 65% sản phẩm OCOP của huyện đã được các chủ thể đưa vào hệ thống các siêu thị. Riêng năm 2023, giá trị sản lượng hàng hóa từ các sản phẩm OCOP đạt trên 90 tỷ đồng.
Một số chủ thể có doanh thu tăng cao như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Biển Xanh, Tổ hợp tác ong Đoàn Kết xã Gia Điền, hộ kinh doanh cam Thái Duy Phương,... Từ đó, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho 264 lao động với thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Năm - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ổn định, có thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị sản phẩm truyền thống, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn gắn với phát triển Hợp tác xã, ngành nghề, làng nghề nông thôn, du lịch dịch vụ và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; xây dựng phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và từng bước tiến tới xuất khẩu.