Hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản
Đồng Nai đang hợp tác với Trường đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) ứng dụng công nghệ SOFIX vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Đây là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh đầu tiên trên thế giới, một công nghệ mang tính đột phá trong “làm đất” để đề xuất phân bón nhằm nâng cao độ phì đất và nâng cao năng suất trong NNHC.
Giáo sư Kubo Motoki (giữa, Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản) khảo sát vườn trồng sầu riêng tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: Phan Anh |
Trước mắt, tỉnh triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ SOFIX của Nhật Bản vào sản xuất NNHC trên cây bưởi và sầu riêng. Trên cơ sở kết quả đạt được sẽ tiếp tục nhân rộng sang các cây trồng khác.
Sản xuất hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản
Cuối năm 2023, đoàn công tác của Đồng Nai do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi làm trưởng đoàn đã có chuyến đi giao lưu, học tập về sản xuất nông nghiệp, nhất là NNHC tại Nhật Bản. Qua tìm hiểu, tỉnh biết về công nghệ SOFIX trong sản xuất hữu cơ có nhiều ưu thế nên đã mời “cha đẻ” của công nghệ này là giáo sự Kubo Motoki (thuộc Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản) hợp tác, chuyển giao mô hình này tại Đồng Nai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho hay, để phát triển NNHC, Đồng Nai đã tổ chức đoàn học tập tại Nhật Bản. Sau buổi học tập tại Nhật Bản thì thấy chương trình ứng dụng công nghệ SOFIX vào sản xuất NNHC rất hiệu quả nên Đồng Nai triển khai công nghệ này trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Đồng Nai đã mời giáo sư Kubo Motoki sang tham gia hội thảo giới thiệu về công nghệ SOFIX và tổ chức khảo sát, thực hiện thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ này vào sản xuất tại Đồng Nai. Đây là công nghệ Nhật Bản đã nghiên cứu rất kỹ, sản xuất mang tính chất bền vững.
SOFIX là từ viết tắt của cụm từ “Soil Fertility Index” nghĩa là “Chỉ tiêu của độ phì nhiêu đất”. Công nghệ này dùng để chẩn đoán sức khỏe của đất nông nghiệp bằng cách phân tích các tính chất sinh - hóa - lý và chuyển hóa vật chất trong đất. SOFIX chẩn đoán độ phì nhiêu của đất dựa trên số lượng vi sinh vật. Công nghệ SOFIX có nguyên lý là sử dụng tuần hoàn các hợp chất hữu cơ và sử dụng trong NNHC để hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Công nghệ này đã được triển khai hiệu quả ở Nhật Bản, áp dụng trên nhiều loại cây trồng.
Theo giáo sư Kubo Motoki, Nhật Bản đặt ra mục tiêu phát triển mạnh NNHC trong thời gian tới. Do đó, việc chia sẻ kiến thức về NNHC cho nông dân Đồng Nai cũng là điều các nhà khoa học Nhật Bản rất mong muốn.
Giáo sư Kubo Motoki chia sẻ: “Qua khảo sát một số mô hình sản xuất NNHC của Đồng Nai, tôi rất bất ngờ khi nông dân Đồng Nai có nhận thức rất cao về canh tác NNHC. Nông dân Đồng Nai hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ SOFIX vào sản xuất. Ở đây, quan trọng là phải tìm được nguồn phân bón hữu cơ phù hợp trong canh tác. Tôi mong sớm được chuyển giao công nghệ SOFIX trong sản xuất NNHC của Nhật Bản cho Đồng Nai”.
Nhiều hỗ trợ về mặt chính sách
Đồng Nai sẽ triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ SOFIX của Nhật Bản vào sản xuất NNHC trên cây bưởi và sầu riêng. Đây là 2 cây trồng đang xuất khẩu rất tốt và đòi hỏi chất lượng cao, ổn định, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
Giáo sư Kubo Motoki đã trực tiếp đi khảo sát, lấy mẫu đất tại 2 mô hình trồng sầu riêng ở xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) của Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học và vườn trồng bưởi của nông dân Nguyễn Văn Thanh tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu). Dự kiến kết quả phân tích mẫu đất sẽ có sau một tháng lấy mẫu đất mang về Nhật Bản để phân tích. Khi có kết quả, giáo sư Kubo Motoki sẽ đưa một số giải pháp kỹ thuật, thực hiện thí nghiệm theo tiêu chuẩn hữu cơ ứng dụng công nghệ SOFIX.
Nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Thanh đã chuyển hướng trồng bưởi theo hướng hữu cơ. Với mong muốn làm được sản phẩm NNHC, ông Thanh đã tham gia làm thí điểm ứng dụng công nghệ SOFIX vào sản xuất bưởi hữu cơ. Điều ông Thanh quan tâm khi ứng dụng công nghệ SOFIX cũng là những vấn đề đa số nông dân trên địa bàn tỉnh đều chú trọng như: chi phí đầu tư, năng suất và cần thời gian bao lâu thì đất được cải tạo và đạt chứng nhận hữu cơ của SOFIX...
Theo giáo sư Kubo Motoki, SOFIX là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh đầu tiên trên thế giới, mang tính đột phá trong vấn đề sức khỏe đất, giúp đề xuất phân bón nhằm nâng cao độ phì đất và nâng cao năng suất trong NNHC. Ứng dụng công nghệ SOFIX hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và rất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, mô hình này giúp giảm chi phí đầu tư, cho năng suất tương đương hoặc cao hơn canh tác hóa học.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết thêm, Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu phát triển sản xuất NNHC, nông nghiệp công nghệ cao và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Việc triển khai ứng dụng sản xuất NNHC tỉnh đã xác định từ những nhiệm kỳ trước gắn với xác định những cây trồng, vật nuôi có lợi thế và chủ lực để tập trung vào chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình tập trung thực hiện, tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có những chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, cho nông dân ứng dụng mô hình này vào sản xuất. Đặc biệt, nguồn vốn hỗ trợ không thiếu từ các nguồn: Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã 150 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân 170 tỷ đồng... Các nguồn quỹ này ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, NNHC.