Tư duy nông nghiệp số
Đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp và phát triển nông thôn là tất yếu khách quan; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế. Những năm gần đây, Bình Phước đang nỗ lực thực hiện CĐS trong nông nghiệp, thể hiện rõ bằng việc nhiều nông dân đã ứng dụng thành công công nghệ số phát triển nông nghiệp.
Đổi mới tư duy
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm gần đây, Bình Phước nổi lên là địa phương dẫn đầu khu vực về phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, bền vững. Ấn tượng năm 2023, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh thuộc top đầu cả nước. Từ đó, xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ tư duy làm nông nghiệp số.
Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Phước Thiện, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp ứng dụng công nghệ tưới nước thông minh cho vườn cây
Với tư duy mở làm nông nghiệp theo hướng khoa học hiện đại, anh Nguyễn Viết Vị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thương mại - dịch vụ Phước Thiện, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp là người tiên phong nghiên cứu, tìm tòi các giống cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao gắn với chuỗi liên kết sản xuất, có bảo hộ giống như mít ruột đỏ, vú sữa hoàng kim, nhãn tím, ổi bombo ruột đỏ… Định hướng của HTX là kinh tế tuần hoàn - kinh tế chia sẻ - kinh tế xanh. HTX thương mại - dịch vụ Phước Thiện được tỉnh chọn là một trong 5 mô hình thí điểm CĐS toàn diện nhằm tạo sức lan tỏa.
Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc Hợp tác xã Phước Thiện (thứ hai bìa trái) giới thiệu với khách thăm quan mô hình ứng dụng công nghệ tưới thông minh cho vườn cây
Với diện tích trồng và liên kết trồng khoảng 800 ha mít ruột đỏ và vú sữa hoàng kim, HTX thương mại - dịch vụ Phước Thiện là một trong những đơn vị tiên phong của Bình Phước ứng dụng công nghệ cao vào trồng, chế biến sản phẩm, hướng đến chuỗi quy trình khép kín từ canh tác, thu hoạch đến chế biến sau thu hoạch. Đến nay, HTX đã lắp đặt wifi, hệ thống tưới tự động bằng ứng dụng công nghệ internet vạn vật, camera giám sát cho 2 ha mít ruột đỏ, 1 ha vú sữa hoàng kim theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời, thu thập dữ liệu phục vụ chăm sóc, truy xuất nguồn gốc; áp dụng CĐS trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, ngoài các kênh bán sản phẩm truyền thống, HTX chủ động tìm kiếm thị trường qua các kênh thương mại điện tử.
“Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao, có hiểu biết về khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp. Vì vậy, cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân thông qua các khóa trang bị kiến thức, kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại. Từ đó giúp họ thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất”.
Anh NGUYỄN VIẾT VỊ, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ Phước Thiện
Trang trại Gia Bảo Ecofarm của anh Nguyễn Minh Hiếu, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, xã Phước Tín, thị xã Phước Long, có hơn 30 ha sầu riêng ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất. Với hệ thống đường ống dẫn nước tưới nhỏ giọt liên tục, tưới mát cho hàng ngàn cây sầu riêng, những chiếc xe cắt cỏ, xe phun thuốc tự động hiện đại được nhập khẩu từ Hàn Quốc đang uốn lượn quanh từng gốc để xử lý kỹ thuật cho vườn sầu riêng Ri6, Monthong và Musang King. Hiện trung bình mỗi hécta anh Hiếu đầu tư hơn 100 triệu đồng, bù lại anh giải phóng được rất nhiều sức lao động, kiểm soát nước tưới, phun thuốc cho cây. Từ khi áp dụng mô hình kỹ thuật này, năng suất vườn sầu riêng tăng lên khoảng 30%.
Việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho vườn sầu riêng của Trang trại Gia Bảo Ecofarm được thực hiện hoàn toàn bằng máy bay không người lái và xe phun thuốc hiện đại được nhập khẩu từ Hàn Quốc
Hiện anh Hiếu đã ứng dụng internet kết nối vạn vật (IoT) vào sản xuất nhằm hạn chế tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây. Anh Hiếu cũng lắp đặt thêm “Trạm dự báo thời tiết cá nhân” trên vườn sầu riêng, kết nối với điện thoại thông minh. Do vậy, dù không có mặt tại vườn nhưng anh vẫn biết được tình hình nắng, mưa để lên kế hoạch phun thuốc, bón phân, tưới nước… hiệu quả cho vườn cây.
Anh Nguyễn Minh Hiếu, chủ Trang trại Gia Bảo Ecofarm và chiếc máy bay phun thuốc tự động
“CĐS là định hướng phát triển cho tương lai. May mắn là sầu riêng Gia Bảo được tiếp cận điều đó rất sớm và thực hiện CĐS nên đã có những thành quả nhất định. Sầu riêng Gia Bảo đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc” - anh Nguyễn Minh Hiếu cho biết.
Tổ chức liên kết sản xuất
CĐS là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.
Ông Bùi Mạnh Hùng, Phòng Bưu chính - Viễn thông - Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp giảm thiểu nhân công, nâng cao thương hiệu là cách mà nông dân cần làm. Để ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao cần xây dựng thương hiệu cho nông sản, liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm. Qua đó, giúp khách hàng tin tưởng về sản phẩm nông nghiệp của mình hơn”.
Do vậy, chiến lược khoa học - công nghệ không chỉ tập trung đưa khoa học - công nghệ phục vụ nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ…, mà còn đẩy mạnh CĐS một cách thực chất, hiệu quả, tiết kiệm. Đó là nền tảng để tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Thay vì đi một mình, nhiều nông dân có chung niềm đam mê phát triển nông nghiệp số đã kết nối lại và thành lập Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú Bình Phước. Hiện câu lạc bộ có 44 thành viên với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Họ là những người trẻ, quyết tâm khởi nghiệp từ nông nghiệp, góp sức vẽ nên bức tranh kinh tế nông nghiệp Bình Phước ngày càng tươi sáng, hấp dẫn hơn.
Anh Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ Phước Thiện, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú Bình Phước cho biết, làm nông nghiệp muốn thành công thì phải áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, có sự liên kết giữa các bên. “Với sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và cả ngân hàng, dù mới thành lập và hoạt động hơn 1 năm nhưng Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú Bình Phước đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, góp phần giúp nền nông nghiệp địa phương phát triển đúng hướng. Định hướng của câu lạc bộ là sẽ liên kết cùng các hiệp hội như hiệp hội điều, mít, sầu riêng để chia sẻ kiến thức và học hỏi kinh nghiệm. Câu lạc bộ sẽ là nơi ươm mầm cho nhiều nông dân trong tỉnh trở thành tỷ phú trong tương lai” - anh Nguyễn Viết Vị chia sẻ.
Trong một lần về Bình Phước, doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực (tỉnh Bắc Giang), người khởi xướng việc ứng dụng nền tảng nông nghiệp số AutoAgri - “chìa khóa” giúp hiện thực hóa khát vọng CĐS trong nông nghiệp, từng chia sẻ: “Những nhà nông nào không có khả năng tự đi một mình thì cần phải đi cùng nhau dưới mô hình liên kết chuỗi. Chủ động kết nối cung - cầu, xây dựng chuỗi kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho nông sản”.
Sau hơn 10 năm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp Bình Phước đã thay đổi vượt bậc. Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp tăng gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống, đưa Bình Phước trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển cao so với cả nước. Hiện Bình Phước đang triển khai các đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung áp dụng tiêu chuẩn quốc tế gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu.