Ngành thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu
Là một quốc gia vùng nhiệt đới với đường bờ biển dài, là nơi sinh sống của hơn 1.300 loài sinh vật biển, Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển một ngành thủy sản trù phú. Tuy nhiên, thế mạnh đó có thể suy giảm khi Việt Nam được cảnh báo là 1 trong 5 quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng xấu nhất của biến đổi khí hậu.
Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Ảnh: H.A.
Ngành thủy sản nước ta đóng góp tới gần 1/4 của GDP ngành nông nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới và sản lượng xuất khẩu thủy sản đứng thứ 4. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 10 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 7.889,8 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,23 tỷ USD, tăng 13,9%; cá tra đạt 1,54 tỷ USD, tăng 8,7%. Hiện 4 thị trường lớn nhất nhập khẩu thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thế mạnh của Việt Nam trong ngành thủy sản có thể suy giảm nhanh chóng khi Việt Nam được cảnh báo là một trong năm quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng xấu nhất của biến đổi khí hậu. Ông Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) chia sẻ, biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nặng nề lên ngành nuôi trồng thủy sản. Hiện nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,5 độ C so với mức trung bình trước đây. Theo số liệu Liên hợp quốc, việc nhiệt độ gia tăng đã ảnh hưởng đến chất lượng nước và sản lượng thủy sản.
Điển hình như thiệt hại do siêu bão số 3 gây ra trên địa bàn Hải Phòng và Quảng Ninh. Báo cáo từ Bộ NNPTNT cho biết hơn 1.500 lồng bè thủy sản bị cuốn trôi, trong đó Quảng Ninh chịu tổn thất lớn nhất với hơn 1.000 lồng bè hư hại, khiến ngư bị thiệt hại nặng nề…
Trước những thách thức khó khăn trên, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững cho rằng, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất thủy sản là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, cùng với việc chuyển sang sử dụng các loại thức ăn ít phát thải carbon như tảo hay protein từ côn trùng cũng là những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm lượng khí thải. Bên cạnh đó, phát triển các giống thủy sản có khả năng thích ứng tốt hơn với môi trường biến đổi sẽ là chìa khóa quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Theo Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS), nhiều thị trường quốc tế đã bắt đầu đặt ra yêu cầu về chứng chỉ carbon cho sản phẩm thủy sản. VINAFIS dự báo, trong vòng 3- 5 năm tới, nếu ngành thủy sản không kịp thích ứng với các yêu cầu về môi trường, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi mở rộng và duy trì thị trường xuất khẩu.
Hiện VINAFIS đang tích cực vận động doanh nghiệp nâng cao ứng dụng công nghệ trong khai thác và chế biến thủy sản. Theo đó, hội thường xuyên phối hợp với các trung tâm công nghệ địa phương để hỗ trợ các cơ sở nuôi trồng và chế biến hướng tới phát triển bền vững, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính. Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng từ nuôi trồng thủy sản đạt trên 2,43 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 4,9% so với năm 2023. Những con số này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành thủy sản Việt Nam rất lớn dù phải đối mặt với nhiều thách thức cả về môi trường lẫn thị trường.