Tôm Cà Mau: Biểu tượng của sự khác biệt và chất lượng

Chia sẻ:

Từ mô hình 'con tôm ôm gốc đước' độc đáo, tôm Cà Mau không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là biểu tượng của nỗ lực phát triển bền vững. Quyết định chọn con tôm làm biểu tượng, tỉnh Cà Mau thể hiện sự cam kết của địa phương trong việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nuôi tôm bảo vệ rừng, bảo vệ tương lai

cà Mau là vùng đất cực Nam của Việt Nam, nổi tiếng với hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng lớn. Với diện tích rừng ngập mặn lên đến 80.000ha, tỉnh đã tận dụng lợi thế này để phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, phương thức mà người dân gọi là "con tôm ôm gốc đước". Đây là giải pháp thông minh, kết hợp hài hòa giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Không giống như các phương pháp nuôi truyền thống, nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn không sử dụng hóa chất và kháng sinh. Thay vào đó, tôm được nuôi tự nhiên, tận dụng nguồn thức ăn từ hệ sinh thái phong phú của rừng ngập mặn. Điều này giúp sản phẩm tôm Cà Mau đạt chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế như: Naturland, EU Organic và ASC.

Từ năm 2016, để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, chính quyền tỉnh Cà Mau đã triển khai chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, với mức hỗ trợ lên tới 500.000 đồng/ha/năm. Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, việc tuân thủ các quy định về bảo vệ rừng và áp dụng mô hình nuôi tôm sinh thái đã giúp tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế lớn và bền vững.

Mô hình nuôi tôm này còn giúp tăng cường khả năng phòng chống xói mòn đất và duy trì sự đa dạng sinh học trong khu vực. Các nghiên cứu chỉ ra rằng rừng ngập mặn đóng vai trò như một tấm lá chắn bảo vệ bờ biển khỏi sự xâm thực của nước biển và là nơi cư trú cho nhiều loài động thực vật quý hiếm.

 

Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm dưới tán rừng

Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm dưới tán rừng

Dấu ấn trên bản đồ thủy sản thế giới

tôm Cà Mau không chỉ đóng vai trò là một sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế lớn mà còn là biểu tượng của sự phát triển bền vững. Tỉnh Cà Mau đã khẳng định vị thế là "vương quốc tôm" của Việt Nam, với diện tích nuôi tôm sinh thái lớn nhất cả nước và sản lượng đạt mức kỷ lục. Năm 2023, sản lượng tôm tại Cà Mau đạt hơn 200.000 tấn, đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, khẳng định vị trí đầu ngành của tỉnh. Sản phẩm tôm Cà Mau được xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia, bao gồm các thị trường khó tính như: EU, Mỹ và Nhật Bản, những nơi yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Theo ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương Cà mau cho biết: "Ngày 26/6/2023, tôm rừng Việt Nam, đặc biệt tại Cà Mau đã được cấp chứng nhận BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất). Đây là chứng nhận đầu tiên trên thế giới cho mô hình BAP từ Mỹ, tạo ra lợi thế đáng kể cho tôm Cà Mau khi tham gia vào thị trường quốc tế. Điểm đặc biệt và duy nhất của tôm Cà Mau nằm ở phương pháp nuôi kết hợp với rừng ngập mặn, một môi trường tự nhiên giàu dưỡng chất và không bị ô nhiễm. Thịt tôm Cà Mau có độ ngọt tự nhiên, săn chắc và giàu chất dinh dưỡng, làm cho sản phẩm này trở thành lựa chọn hàng đầu cho các món ăn cao cấp, góp phần tạo nên sự khác biệt cho ẩm thực Cà Mau và Việt Nam nói chung".

 

Tôm Cà Mau đóng góp hơn 1 tỷ USD vào năm 2023

Tôm Cà Mau đóng góp hơn 1 tỷ USD vào năm 2023

Ngày 14/11 sắp tới, Hội nghị Kết nối xúc tiến xuất khẩu nông, thủy sản tỉnh Cà Mau 2024 được tổ chức tại Hội trường UBND tỉnh Cà Mau. Bộ Công Thương và các cơ quan phối hợp chặt chẽ tổ chức sự kiện, trong đó có chương trình kỷ yếu giới thiệu thông tin doanh nghiệp và phòng giao thương riêng cho từng đoàn doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng được sắp xếp khảo sát nhà máy chế biến thủy sản tại TP.Cà Mau thu hút sự tham gia của 41 doanh nghiệp trong tỉnh, bao gồm 6 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Theo kế hoạch "Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030" tại tỉnh Cà Mau, mục tiêu đến năm 2030 là đạt sản lượng nuôi trồng thủy sản 570.000 tấn mỗi năm. Việc đạt được chứng nhận ASC Group (chứng nhận quốc tế cho thủy sản nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về lao động) là bước khởi đầu quan trọng, tạo nền tảng để Cà Mau hướng tới mục tiêu có hơn 40.000ha mô hình lúa - tôm được cấp các chứng nhận quốc tế về ASC Group và một số chứng nhận hữu cơ khác vào năm 2030.

Với tất cả nỗ lực từ phía chính quyền, cộng đồng và các tổ chức liên quan, tôm Cà Mau không chỉ là sản phẩm kinh tế mà còn là biểu tượng của sự phát triển bền vững, niềm tự hào của người dân Cà Mau.