Hỗ trợ sản xuất lúa theo hướng VietGAP tại Tân Hưng
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp ngành Nông nghiệp huyện Tân Hưng tổ chức triển khai mô hình điểm sản xuất lúa theo hướng VietGAP lúa vụ Hè Thu 2024 tại huyện Tân Hưng.
Triển khai mô hình điểm sản xuất lúa theo hướng VietGAP tại xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng
Theo đó, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 20% chi phí nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình/50ha. Được hỗ trợ giống lúa cấp xác nhận, phân hữu cơ bón gốc, phân đạm chậm tan, gieo sạ bằng thiết bị bay (10ha), bón phân bằng thiết bị bay (10ha), phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay và thuốc bảo vệ thực vật gốc sinh học.
Để được hỗ trợ, nông dân phải là thành viên của Hợp tác xã; diện tích của mô hình là 50ha; có phương án, kế hoạch sản xuất trong 3 năm liên tiếp và được phê duyệt, duy trì kết quả hỗ trợ ít nhất 3 năm; giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam; trang thiết bị phải nằm trong danh mục khuyến khích ưu tiên hỗ trợ.
Đây là năm thứ 3 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh hỗ trợ thành viên Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất thương mại nông nghiệp Vĩnh Lợi. Qua 2 năm triển khai mô hình cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với bên ngoài mô hình.
Được biết, mô hình điểm hỗ trợ sản xuất lúa theo hướng VietGAP được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện năm thứ 3 tại 6 huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh gồm Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Kiến Tường, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng với tổng diện tích 300ha./.