Dự báo sản xuất tôm toàn cầu sẽ tăng trở lại trong năm 2024

Chia sẻ:

Cuối tháng 11/2023, được sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam (GIZ), Cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo tham vấn “Xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi”. Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã đồng chủ trì Hội thảo.

Thành phần đại biểu tham dự khá phong phú. Tổng cộng có 160 đại biểu đến từ Cục Thủy sản (Phòng Nuôi trồng thuỷ sản; Giống và Thức ăn thuỷ sản); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông, các Viện/Trường và các nhà khoa học; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản/giống thủy sản, chế biến thủy sản; các hợp tác xã/tổ hợp tác nuôi tôm; và đặc biệt là sự góp mặt của các hộ nuôi tôm thành công, các đại diện ở những tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo tham vấn đã thu thập ý kiến đóng góp để xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả, phòng bệnh vi bào tử trùng trên tôm nước lợ được nuôi trong bối cảnh mới; cũng như tìm kiếm các giải pháp khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm để giảm giá thành. Nhiều bài tham luận đã được trình bày hết sức sôi nổi, chân tình. Đó là những thông tin được các diễn giả biểu đạt theo lối cô đọng, súc tích (đặc biệt dễ hiểu đối với nông ngư dân); trong đó phải kể đến 04 nội dung quan trọng sau:

Cục Thủy sản đưa ra định hướng phát triển nuôi tôm nước lợ năm 2024. Chi cục Thuỷ sản Sóc Trăng đề cập tình hình chỉ đạo sản xuất tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh và các giải pháp khắc phục khó khăn năm 2023, bài học kinh nghiệm cho các năm tiếp theo. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II sơ bộ đánh giá cơ cấu giá thành nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp giảm giá thành nuôi tôm trong bối cảnh mới. Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH Grobest Vietnam đóng góp 02 bài tham luận về các giải pháp phòng, trị bệnh tôm (là vấn đề được quan tâm nhiều hơn cả) cụ thể là: “Bệnh vi bào tử trùng (EHP) trên tôm và biện pháp phòng trị”; “Bệnh EHP và giải pháp nuôi tôm không EHP”.

Cùng đến tham dự Hội thảo, các cơ sở nuôi tôm nổi tiếng đã cởi mở chia sẻ về mô hình nuôi, kinh nghiệm nuôi tôm của mình; trong đó có những giải pháp không giống với phương pháp thông thường, tuy nhiên lại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Về phía Dự án i4Ag/GIZ - “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững” cũng đóng góp giải pháp phát triển sản xuất tôm bền vững; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo ứng dụng Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System - RAS) trong nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm rừng, sản xuất tôm giống.  

 

Cung tôm toàn cầu có thể tăng 4,8%

Tại hội thảo, Cục Thủy sản đã đưa ra một số dự báo về mức sản xuất tôm toàn cầu sẽ tăng trở lại (khoảng 4,8%) trong năm tới; trong đó, tôm sú là đối tượng sẽ được nuôi và phát triển mạnh trở lại (tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ).

Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn với những thách thức lớn: cạnh tranh gay gắt giữa các nước sản xuất tôm trên thế giới; cạnh tranh về giá cả thị trường (tiêu biểu nhất là tôm Ecuador luôn đưa ra giá chào bán rất thấp, với mức giá đó thì các hộ nuôi tôm của Việt Nam không có lãi, thậm chí lỗ nhẹ nếu vẫn bán giá thấp để duy trì việc làm cho người lao động); cùng với đó là các áp lực về chi phí thức ăn, chất lượng tôm giống và nan giải nhất là vấn đề dịch bệnh, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ngành hàng.

Tại Việt Nam, các chương trình, chiến lược, đề án đều đã được xây dựng (khá nhiều). Câu chuyện hiện nay là cách thức vận dụng như thế nào để giúp Việt Nam giành được lợi thế cạnh tranh tốt nhất trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, chắc chắn việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị tôm nhất định phải tuân theo những quy ước/quy chuẩn quốc tế. Mặt khác, công nghệ tiên tiến trên thế giới khi ứng dụng vào Việt Nam phải được cải tiến và điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất.

Bên cạnh đó, tích cực phòng ngừa dịch bệnh; có những cảnh báo từ xa cũng như có những phán đoán chuẩn xác về thị trường đầu ra. Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, nhất thiết chú trọng khâu lựa chọn giống thủy sản; đồng thời cân nhắc giữa các hình thức nuôi giữa quảng canh/quảng canh cải tiến với thâm canh/bán thâm canh/siêu thâm canh để sử dụng tối ưu diện tích nuôi trồng thủy sản; hệ số thức ăn giảm nhưng vẫn phải đảm bảo tỷ lệ sống cao, tôm sinh trưởng, phát triển tốt; nâng tỷ trọng sản phẩm tôm giá trị gia tăng, đem về giá trị kim ngạch xuất khẩu cao; khẳng định thương hiệu Tôm Việt.

 

Đi tới bản chất của vấn đề để giải quyết những gì còn tồn tại

Theo các chuyên gia kinh tế, tại Việt Nam hiện nay “người nuôi tôm” được coi là nhân tố then chốt quyết định sự phát triển của toàn chuỗi. Nói cách khác, người nuôi tôm sống được thì tất cả các khâu còn lại của chuỗi đều sẽ phát triển; bao gồm các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu thủy sản, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vật tư đầu vào (thức ăn thủy sản, kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học…).

Đứng trước các thách thức về nhu cầu tiêu thụ tôm giảm, nguồn cung nguyên liệu tôm giá rẻ dồi dào (trong khi dịch bệnh tôm vẫn đe dọa Việt Nam), ngành Thủy sản xác định: Tuyệt đối không tìm cách đổ lỗi. Thay vào đó, cùng bàn bạc giải pháp, linh hoạt lựa chọn phương án tối ưu cho từng trường hợp cụ thể. Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước, Cục Thủy sản mong muốn nhận được nhiều ý kiến cởi mở hơn, mạnh dạn hơn. Tất cả cùng tìm kiếm các điểm mấu chốt nhất để giải quyết mọi vấn đề thật hiệu quả.

Tại hội thảo, có những doanh nghiệp chia sẻ cách thức duy trì sự phát triển của doanh nghiệp mình trong tình hình mới. Trong đó có một ví dụ thể hiện được vai trò của sự kết nối thị trường thành công: Sau quyết định táo bạo, chuyển từ diêm nghiệp (nghề làm muối) sang ngư nghiệp - nuôi tôm OCOP. May mắn đã đến với doanh nghiệp này. Mỗi ngày đều có container tôm tươi được chở đến tiêu thụ tại chợ Long Biên (Hà Nội). Đây chính là cách thức kết nối thị trường rất đơn giản nhưng hiệu quả.

Tuy nhiên, Hội thảo tham vấn lần này mang tính kỹ thuật chuyên sâu nên khi bắt tay tìm hiểu kỹ sẽ thấy mọi việc vô cùng phức tạp, không dễ lựa chọn giải pháp để áp dụng thống nhất chung. Có hộ nuôi áp dụng phương án này, tiết kiệm được từng này chi phí; nhưng với hộ nuôi khác khi áp dụng cùng phương án đó sẽ không đạt được mục tiêu như vậy. Để giúp người dân không phải vất vả mày mò, thử nghiệm tất cả các phương án và chịu thiệt hại, gây lãng phí, Cục Thủy sản đã quyết định phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo tham vấn “Xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi”. Đây chính là ý nghĩa to lớn nhất, tích cực nhất của Hội thảo; đặc biệt giúp người nuôi tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm; tự lựa chọn phương án phù hợp với mình, áp dụng các giải pháp, mô hình hiệu quả theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện môi trường; yên tâm hơn khi bước vào các vụ nuôi mới.

Sau khi nhận được các ý kiến tham vấn hết sức sâu sắc cùng với những kiến nghị, đề xuất vô cùng tâm huyết, nội dung thông điệp cụ thể, rõ ràng, Cục Thủy sản đã tổng hợp đầy đủ và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa những chia sẻ, bàn bạc, phân tích, đánh giá các mô hình ứng dụng hiệu quả. Từ đó, Cục Thủy sản có cơ sở vững chắc khi xây dựng và đệ trình những tham mưu chuẩn xác hơn, sát với thực tiễn Việt Nam hơn.

Trong không khí thân mật, gần gũi, với sự điều hành - dẫn dắt - kết nối ý tưởng thấu đáo của Cục trưởng Cục Thủy sản, toàn thể đại biểu đến tham dự hội thảo đã góp ý sôi nổi, nhiệt tình và cùng nhất trí sẽ đi đến bản chất của vấn đề; lần lượt giải quyết tất cả những gì còn tồn tại trong chuỗi giá trị tôm. Tất cả cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau; chung tay vì sự phát triển ngành hàng Tôm; thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành Thủy sản Việt Nam.

Nguồn: Bộ NN & PTNT