Liên kết để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững
Những năm gần đây, TP. Phổ Yên chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình liên kết trong lĩnh vực trồng trọt. Qua đó từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và cải thiện thu nhập cho bà con nông dân.
Nhờ liên kết trong sản xuất chè, Công ty CP Trà Việt Thái (ở xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên) đã chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ, chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ nên tạo được uy tín, chỗ đứng trên thị trường. |
Từ thực tế cho thấy, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn TP. Phổ Yên đang ngày càng thu hẹp, nhường chỗ để thực hiện các công trình, dự án. Do đó, cùng với triển khai các giải pháp tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn, địa phương cũng khuyến khích, vận động nông dân liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Bên cạnh việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thành phố đã chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Với diện tích trên 1.680ha, chè là cây trồng chủ lực của các xã khu vực phía Tây thành phố như: Phúc Thuận, Minh Đức, Thành Công... Đến nay, TP. Phổ Yên duy trì, phát triển 10 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất và chế chế biến chè, thu hút trên 750 thành viên tham gia, với diện tích 80ha.
Các mô hình kinh tế tập thể này không chỉ góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, mà còn tạo ra vùng nguyên tập trung. Địa phương hiện có 250ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với các giống LDP1, TRI777, Kim Tuyên…; 350ha chè ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; 8 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP; 3 vùng trồng chè thuộc các xã Phúc Thuận, Minh Đức được cấp mã số vùng trồng, với tổng diện tích 35ha.
Ông Nguyễn Huy Sơn, Giám đốc Công ty CP Trà Việt Thái, ở xã Phúc Thuận, cho biết: Từ nhiều năm nay, đơn vị đã liên kết với khoảng 100 hộ dân trong vùng để sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích hơn 20ha. Trong quá trình thực hiện, đơn vị cũng chú trọng hướng dẫn, tạo điều kiện để bà con sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Hoạt động liên kết này giúp Công ty chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ, chất lượng sản phẩm chè được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến nên tạo được uy tín, chỗ đứng trên thị trường.
Không chỉ cây chè, trong quá trình sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả, việc xây dựng các mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ nông dân trên địa bàn cũng được chú trọng. Qua đó từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, theo hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Điển hình có thể kể đến vùng sản xuất lúa chất lượng cao đại trà tại xã Minh Đức, Thành Công, quy mô trên 100ha; cây ăn quả với diện tích trên 300ha tại xã Thành Công, Phúc Thuận, Minh Đức... Thông qua vùng sản xuất tập trung, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, việc đầu tư, hỗ trợ đưa vào sản xuất các giống mới được quan tâm và triển khai tích cực, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Cao đầu tư lắp đặt nhà lưới, hạn chế những tác động tiêu cực của thời tiết. |
Là minh chứng cho thấy hiệu quả của việc “bắt tay” trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao không chỉ mở rộng diện tích rau xanh các loại từ 4ha lên 7ha, mà còn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với cung ứng rau xanh cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn tại TP. Hà Nội, HTX đã liên kết với Công ty TNHH Nguyên Việt (xã Minh Đức, TP. Phổ Yên) để sản xuất tinh bột rau diếp cá, tía tô, cải bó xôi… Bình quân mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường hơn 12 tấn rau, củ các loại, doanh thu đạt trên 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, cho hay: Nhờ sản xuất theo đơn đặt hàng của HTX, chúng tôi đã chủ động được trong quá trình xuống giống. Rau xanh làm ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó, không bị dư thừa, thối hỏng nên bà con rất yên tâm.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện các mô hình liên kết trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn TP. Phổ Yên thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tính đến hết năm 2023, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt của thành phố đạt 131,7 triệu đồng/ha (tăng trên 5 triệu đồng so với năm 2022); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 68 triệu đồng/người/năm; 11 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên…
Theo ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phổ Yên: Dù đạt được những kết quả tích cực, song một số mô hình liên kết vẫn còn lỏng lẻo, tổ chức sản xuất còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Từ thực tế này, thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc liên kết; kịp thời thông tin tình hình cung cầu hàng hóa nông sản để nông dân sản xuất hiệu quả. Đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ cao để thực hiện liên kết có hiệu quả, bền vững. Cùng với triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, địa phương cũng đang thực hiện hỗ trợ các xã: Thành Công, Phúc Tân, Vạn Phái và Minh Đức triển khai 4 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đối với cây lúa và chè, tổng kinh phí trên 1,9 tỷ đồng…