Cấp ‘hộ chiếu’ cho trái cây xuất khẩu
MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
Mã số vùng trồng là tiêu chí bắt buộc của một số nước nhập khẩu trái cây. Có mã số vùng trồng đầu ra ổn định và bán được giá cao. Việc xây dựng mã số vùng trồng đã góp phần thay đổi tư duy canh tác của người nông dân. Đồng thời mã số vùng trồng trồng được xem là tấm “hộ chiếu” để xuất khẩu trái cây sang nhiều nước trên thế giới.
Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu rau quả cả nước đạt trên 3,1 tỷ USD. Những yếu tố quan trọng để xuất khẩu rau quả, trong đó phần lớn là các loại trái cây đặc sản “bứt phá” ngoạn mục là bà con nhà vườn và các doanh nghiệp đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng trái cây hàng hóa theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó đáp ứng được các nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, tổng diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL khoảng 400.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt gần 5,8 triệu tấn. Nhiều loại trái cây đặc sản mang tên vùng miền như: vú sữa Cần Thơ, xoài cát Hòa Lộc, quýt hồng Lai Vung, bưởi Năm Da xanh Bến Tre, thanh long, sầu riêng Tiền Giang… vốn đã nổi tiếng trên thị trường. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, phần lớn những loại trái ngon này chỉ được tiêu thụ nội địa, nên giá trị chưa cao và thu nhập của nhà vườn cũng chưa được như mong muốn.
Thời gần đây, với sự nỗ lực của các ngành chức năng, hàng chục ngàn ha cây ăn trái ở vùng Châu thổ Cửu Long đã canh tác theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và đạt chứng nhận tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP... Đặc biệt, nhiều loại trái cây được cấp mã số vùng trồng đã mở ra cơ hội để sản phẩm tiếp cận với những thị trường nhập khẩu lớn và khó tính trên thế giới.
Tính đến nay đã có 50/63 tỉnh, thành trong cả nước được cấp tổng cộng trên 4.000 mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái, với tổng diện tích trên 300.000 ha, chủ yếu trên các loại như chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, chanh, xoài, chôm chôm, sầu riêng... Tính riêng vùng ÐBSCL đã được cấp 1.561 mã số vùng trồng cho cây ăn trái, chiếm tỷ lệ hơn 39% của cả nước và 626 mã số cơ sở đóng gói. Đặc biệt tỉnh Đồng Tháp là địa phương có số lượng mã số vùng trồng nhiều nhất ở khu vực ĐBSCL là 2.469 mã.
ĐỒNG THÁP CÓ 295 VÙNG TRỒNG XOÀI ĐƯỢC CẤP MÃ SỐ
Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL, chủ yếu trồng các giống xoài chủ lực thơm ngon có chất lượng như: xoài Cát Chu Cao Lãnh, xoài Cao Lãnh và xoài Cát Hòa Lộc. Diện tích trồng xoài tập trung chủ yếu ở hai khu vực là TP Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, Lấp Vò và Thanh Bình.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết: Diện tích trồng xoài của Đồng Tháp khoảng 14.000 ha, sản lượng hàng năm cho ra gần 120.000 tấn. Trong đó diện tích xoài được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP là hơn 353 ha, GlobalGAP là 55 ha. Xoài được sản xuất rải vụ quanh năm và được bao trái để đảm bảo an toàn và mẫu mã đẹp.
Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 295 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng, tương ứng 8.300ha, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh. Trung Quốc là thị trường lớn đã được cấp 252 mã số (trên 7.000 ha). Ngoài ra, xoài Đồng Tháp còn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước phát triển đã góp phần đẩy mạnh việc hình thành và mở rộng vùng chuyên canh xoài. Bên cạnh đó, có 5 doanh nghiệp đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói xoài trên địa bàn tỉnh, 1 mã số đang hoạt động và 4 đang chờ phê duyệt.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ được khuyến khích. Tuy nhiên, diện tích thực hiện còn khá khiêm tốn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 486ha đạt chứng nhận VietGAP (33 cơ sở) và 2 ha đạt chứng nhận hữu cơ (Công ty TNHH Chú Chín).
Theo ông Điền, ngoài điều kiện có mã số vùng trồng và nhà đóng gói thì chúng ta còn phải tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc BVTV… Vì vậy mỗi nhà vườn, mỗi HTX, Tổ hợp tác, Hội quán và doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất, từ vùng nguyên liệu đến sơ chế, bảo quản và xuất khẩu trong chuỗi ngành hàng là hướng đi bền vững. Đặc biệt trong năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam và Sở NN-PTNT Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt thích ứng với bối cảnh tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống Sar-CoV2, thực thi Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc”.
Đây là chương trình nhằm chia sẻ thông tin thị trường, tăng cường phối hợp cùng địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, HTX, nông dân và Hội quán có tầm nhìn tích cực về sản xuất nông nghiệp, thay đổi tư duy sản xuất phù hợp với những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn và bền vững.
Sở hữu vườn xoài rộng 2ha đang làm bông chuẩn bị cho trái, ông Trần Minh Lộc, nông dân kỳ cụ có nhiều kinh nghiệm trồng xoài ở xã Tịnh Thới, huyện TP Cao Lãnh cho biết: Vùng đất Tịnh Thới nằm cặp sông Tiền nên được phù sa bồi đắp quanh năm, chính vì vậy người dân nơi đây có trên 90% trồng xoài theo hình thức rải vụ quanh năm và có bao trái 100% để tránh sâu bệnh tấn công. Bên cạnh đó trồng xoài theo hình thức mới này trái xoài bóng đẹp, được khách hàng ưa chuộng mà còn giúp giảm từ 5-7 lần phun thuốc BVTV và giảm lượng bón phân hóa học rất đáng kể. Tính ra giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với trồng xoài theo truyền thống trước đây.
“Trồng xoài thông thường không bao trái mỗi vụ phải tốn từ 10-12 lần phun thuốc BVTV mà sản lượng chỉ đạt từ 13 - 15 tấn/ha, giờ tôi trồng xoài bao trái chỉ cần phun từ 3-4 lần thuốc BVTV nhưng sản lượng trái lại đạt đến 18-20 tấn/ha. Một lợi ích nữa là khi áp dụng kỹ thuật bao trái không bị côn trùng gây hại nên trái xoài rất đẹp và bán được giá cao. Xoài sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn có giá cao hơn từ 4.000 – 5.000 đồng/kg và luôn hút hàng, trong khi xoài không đạt chuẩn có khi không tiêu thụ được. Nhất là ở thời điểm vào mùa thu hoạch rộ” ông Lộc nói.
Theo tính toán của những nhà vườn nơi đây, trồng xoài có thể thu lợi nhuận gấp 5-6 lần trồng lúa. Trung bình 1 cây xoài thu hoạch khoảng 100 – 200kg, sau khi trừ hết các chi phí lãi từ 250 - 300 triệu đồng/ha/vụ.
Về việc cấp mã số vùng trồng, ông Lộc còn tự hào nói, vườn xoài của gia đình ông đã được ngành nông nghiệp tỉnh cấp mã số vùng trồng cách đây 4-5 năm, vườn nhà ông cũng là địa chỉ mã số vùng trồng đầu tiên được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn để xuất khẩu lô xoài đầu tiên của địa phương. Bên cạnh đó ông còn vận động người dân trồng xoài xung quanh trong xóm tìm hiểu cách thức để xin ngành chức năng cấp mã số vùng trồng, giúp thuận lợi trong vấn đề tiêu thụ trái xoài sang các thị trường trên thế giới nhất là thị trường Trung Quốc đang ưa chuộng xoài của Đồng Tháp.
THÁO GỠ RÀO CẢN VỀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT
Các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trong cả nước cũng được cấp hàng ngàn mã số cơ sở đóng gói cho các loại trái cây tươi được xuất khẩu sang thị trường các nước như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… trong đó ĐBSCL được cấp 923 mã cơ sở đóng gói, chiếm tỷ lệ 50%.
Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Và cũng có thể xem đây là công tác tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật để trái cây Việt Nam nói chung, vùng Châu thổ cửu Long nói riêng rộng cửa xuất khẩu chính ngạch ra thị trường nước ngoài.
Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Hâu, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) cho biết: Trước đây sản xuất theo VietGAP hoặc GlobalGAP mà không có thị trường thì lãng phí, còn hiện nay muốn xuất khẩu phải có mã số vùng trồng. Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Nhiều quốc gia trên thế giới xem mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại và truy xuất nguồn gốc nông sản. Truy xuất nguồn gốc nông sản là xu hướng tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh cho các loại trái cây trong thị trường nội địa và được xem là “hộ chiếu” với những mặt hàng xuất khẩu và đặc biệt là các loại rau quả tươi.
Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có quy định bắt buộc trái cây tươi từ các quốc gia khác muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cấp mã số vùng trồng. Ngay cả một số thị trường xuất khẩu trái cây vốn trước đây được xem là dễ tính như thị trường Trung Quốc nay cũng đã đặt ra các yêu cầu trên.
Chính những yếu tố bắt buộc đó, mà thời gian gần đây, nhiều địa phương đã kết hợp với các ngành chức năng tập trung xây dựng mã số vùng trồng cho nhiều loại cây ăn trái. Và cũng có thể xem đây là “chìa khóa” trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín của trái cây vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hậu Giang là địa phương có tỷ lệ giám sát cao về mã số vùng trồng đạt trên 80% và 94,7% đối với cơ sở đóng gói. Điển hình như HTX Trái cây sinh học OCOP, có doanh thu xuất khẩu trái cây trên 100 tỷ đồng/ năm nhờ xây dựng vùng trồng cây ăn trái đạt chuẩn GlobalGAP.
Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, cho biết: Việc trái cây của HTX xuất khẩu thuận lợi vào các thị trường Anh, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan… là nhờ xã viên ý thức tuân thủ tốt các quy trình sản xuất, nhất là ghi nhật ký sản xuất đầy đủ. Qua đó, HTX thuận lợi nhập dữ liệu lên hệ thống để hoàn thiện tốt các dữ liệu theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tái cấp mã số vùng trồng…
Việc làm này đã giúp HTX luôn giữ được uy tín và mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây. Nhờ đó, vùng nguyên liệu của HTX từ 400ha năm 2022, nay đã mở rộng ra 650ha ở Hậu Giang, TP Cần Thơ và Sóc Trăng… Tuy nhiên, theo ông Trần Bá Sơn, hiện nay nông dân còn thói quen ghi nhật ký sản xuất trên giấy, nên nhân viên kỹ thuật của HTX phải đến từng hộ thu thập thông tin. Sắp tới, HTX sẽ tập huấn cho nông dân ghi nhật ký sản xuất trên điện thoại để đồng bộ hóa dữ liệu, tạo nền tảng vững chắc số hóa cho hồ sơ mã số vùng trồng.
Hiện Hậu Giang đang thúc đẩy tiến độ cấp mã số vùng trồng cho các loại nông sản có nhu cầu đăng ký xuất khẩu, đặc biệt đối với các loại cây trồng chủ lực của tỉnh và theo yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu có liên kết xây dựng vùng trồng tại địa phương. Các loại nông sản của Hậu Giang đã được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, châu Âu, New Zealand, Australia, Mỹ gồm: mít, chanh, bưởi, lúa, sầu riêng, chuối… với 120 mã số vùng trồng.
Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Việc quản lý các mã số vùng trồng hiện nay đã và đang được triển khai thực hiện qua các phần mềm quản lý từ khâu cập nhật thông tin vùng trồng xuất khẩu đến việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đây là những nền tảng quan trọng để ngành nông nghiệp Hậu Giang số hóa vùng sản xuất nông nghiệp.
TRÁI CÂY CẦN THƠ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Còn tại TP Cần Thơ, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn ước đạt gần 25.000ha, trong khi vào năm 2004 chỉ ở mức 16.360ha. Sản lượng trái cây trong cả năm nay dự kiến đạt 223 nghìn tấn, tăng hơn gấp đôi so với năm 2004. Hiện nông dân tại thành phố trồng khá nhiều loại cây trái ngon, đặc sản, có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu, giúp mang lại giá trị kinh tế cao. Ðáng chú ý, nhiều loại sầu riêng như Ri 6, Monthong và các loại nhãn, xoài, mít, mãng cầu... đang được trồng tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố cho chất lượng trái rất ngon, được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Ðể phát huy hiệu quả vườn cây và ổn định đầu ra trong bối cảnh diện tích và sản lượng tăng, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang tiếp tục quan tâm tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả. Thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết, áp dụng các quy trình canh tác thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, Global GAP... để đáp ứng các yêu cầu thị trường về chất lượng, an toàn và góp phần bảo vệ môi trường. Hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng và chuẩn hóa sản xuất đáp ứng theo yêu cầu các thị trường nhập khẩu...
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Hiện thành phố đã có trên 478ha cây trồng ăn trái đạt theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Các HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cây ăn trái tại thành phố đã được cấp 98 MSVT cho hơn 970ha cây ăn trái phục vụ xuất khẩu sang các thị trường thế giới.
Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, hiện các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ cũng đã được cấp 12 mã số cơ sở đóng gói để phục vụ các thị trường xuất khẩu: Mỹ, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU. Tới đây, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các sở, ngành và địa phương trong định hướng và hỗ trợ nông dân phát triển các vùng cây ăn trái chuyên canh có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu và phát triển du lịch nông nghiệp. Chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và nhân rộng các mô hình hiệu quả, nhất là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, với sự gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết, hình thành các vùng trồng cây ăn trái chuyên canh tập trung gắn với các HTX và tổ hợp tác để được cấp mã số vùng trồng và thuận lợi trong liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu.
Có thể nói thời gian qua, dù diện tích trồng cây ăn trái ở TP Cần Thơ liên tục tăng, nhưng nhiều nông dân vẫn bán được sản phẩm với giá rất cao. Ðạt được kết quả này là nhờ có sự đóng góp rất lớn của ngành nông nghiệp và các sở, ngành thành phố trong việc định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp nhằm gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Kịp thời thành lập các HTX gắn với hình thành các vùng trồng cây ăn trái chuyên canh, đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và có mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu. Qua đó, trái cây của nông dân trên địa bàn thành phố đã mở rộng được thị trường xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính giúp bán sản phẩm được giá cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu.
Ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ cho biết: Nhờ quan tâm sản xuất nhãn rải vụ, nghịch mùa và chú ý thực hiện các quy định, hướng dẫn của ngành chức năng để trái nhãn đáp ứng các yêu cầu cho xuất khẩu. Năm 2023 nông dân tại HTX bán được nhãn với giá khá cao, nhiều thời điểm có giá từ 30.000 đồng/kg trở lên. Theo đó, nông dân tại HTX có thể đạt lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ha. Hiện HTX có 29 thành viên, với hơn 22ha canh tác nhãn Ido và đã có mã số vùng trồng để xuất khẩu các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ
Theo ông Châu Thanh Triều, thành viên của HTX cây ăn trái Thái Thanh ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, được sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp tại địa phương và thành phố, 5ha trồng thanh nhãn của ông đã tham gia vào HTX để thực hiện mô hình sản xuất thanh nhãn đạt theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu. Năm 2023, tất cả sản lượng nhãn của vườn ông đều được bán cho công ty thu mua để xuất khẩu sang Úc và Nhật Bản, với giá từ 55.000 đồng/kg trở lên, cao hơn ít nhất 15.000 đồng/kg so với bán cho tiểu thương để tiêu thụ nội địa. HTX cây ăn trái Thái Thanh hiện có 24 xã viên, với diện tích trồng cây ăn trái hơn 133ha, trong đó có hơn 100ha trồng thanh nhãn. Nhãn của HTX đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc.
Ông Quỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc HTX Tân Thới 1, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ nhận định: Việc xây dựng mã số vùng trồng trên cây ăn trái đã làm chuyển biến nhận thức của bà con nhà vườn trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Từ cách làm đó sẽ đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác theo kiểu truyền thống.
“Nhờ xây dựng được mã số vùng trồng, nhiều HTX nông nghiệp đã thực hiện tốt chuỗi liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất đúng theo quy chuẩn cam kết và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó mà nhiều loại trái cây đã được xuất khẩu với số lượng ngày càng nhiều sang các thị trường lớn và khó tính…” ông Quỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc HTX Tân Thới 1 khẳng định.
Nguồn: nongnghiep.vn