Sôi động “phiên chợ điện tử” của tuổi trẻ Thủ đô
Hà Nội từng được mệnh danh là “đất trăm nghề”, có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề. Nhằm phủ sóng thương hiệu làng nghề, mô hình “phiên chợ điện tử” livestream bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của địa phương được tuổi trẻ Thủ đô triển khai tại 10 quận, huyện trên địa bàn.
Hình ảnh nón lá truyền thống làng Chuông được giới thiệu tại “phiên chợ điện tử” do Huyện đoàn Thanh Oai tổ chức. Ảnh: Huyện đoàn Thanh Oai
Trong đó, Huyện đoàn Thanh Oai là đơn vị có nhiều phiên livestream nhất hiện nay. Khai thác lợi thế sẵn có từ nhiều sản phẩm làng nghề, mỗi chương trình “phiên chợ điện tử”, tuổi trẻ Thanh Oai giới thiệu và kết nối các sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP địa phương. Các sản phẩm làng nghề từng được giới thiệu như: nón lá làng Chuông, giò chả Ước Lễ, gạo thơm Bối Khê, gạo Bồ Nâu, cam canh Kim Đường, tương Cự Đa cùng sản phẩm OCOP như ổi Kim An, gạo Tam Hưng…
Mỗi phiên bán hàng, đoàn thành niên mỗi xã gắn với làng nghề, sản phẩm OCOP chuẩn bị kịch bản, thiết kế tiểu cảnh để trưng bày, giới thiệu các mặt hàng. Trên sóng livestream thường kéo dài từ 1 giờ đến hơn 2 giờ đồng hồ, các bạn trẻ khéo léo lựa chọn khung giờ vàng, xây dựng kịch bản và tạo tương tác để thu hút lượng khách hàng. Có đợt, các “phiên chợ điện tử” kết nối hình ảnh trực tiếp tại cơ sở trồng, vườn cây, cơ sở sản xuất, cách thức thu hoạch, đóng gói mang lại sự tin tưởng về quá trình nuôi trồng, đảm bảo an toàn, chất lượng.
Mặc dù doanh thu chưa nhiều nhưng sản phẩm bước đầu được quảng bá rộng rãi trên sàn thương mại điện tử và được nhiều khách hàng biết đến.
Thời gian qua, Huyện đoàn Phú Xuyên cũng là điểm sáng trong việc triển khai mô hình “phiên chợ điện tử”, giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề như giầy da, thủ công mỹ nghệ, túi xách, khảm trai, đồ gỗ,… Các buổi livestram được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, âm thanh, hình ảnh kết nối, kịch bản hấp dẫn. Hiện Phú Xuyên có 43 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, việc tổ chức phiên chợ điện tử có ý nghĩa trong việc quảng bá sản phẩm, làng nghề truyền thống của địa phương.
Mới đây, Huyện đoàn Ba Vì tổ chức chương trình livestream kết nối và tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP huyện Ba Vì. Tại phiên chợ điện tử thu hút hơn 400 lượt yêu thích, bình luận và hơn 200 lượt chia sẻ. Các nông sản đặc trưng vùng núi Tản Viên như: cá thính Tiên phong, gà đồi Ba Vì, sữa Ba Vì, bánh sắn, nem chạo… giới thiệu qua kênh nền tảng trực tuyến nhận được sự quan tâm đông đảo người tiêu dùng. Nhiều ý kiến đánh giá chương trình thực hiện chuyên nghiệp, mang sản phẩm chất lượng, an toàn đến người tiêu dùng. Thực hiện tiêu chí “người Việt dùng hàng Việt” Với hình thức “phiên chợ điện tử”, đồng hành cùng nhà nông, tìm lối ra tiềm năng cho nông sản Việt. Đây cũng là phương thức mới mang tính hiệu quả thương mại cao.
Mô hình “phiên chợ điện tử” tuổi trẻ Thủ đô triển khai tại 579 xã với mong muốn phát huy vai trò tiên phong, xung kích của thanh niên trong ứng dụng chuyển đổi số; đồng thời là hoạt động cụ thể hóa chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Đây cũng là hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18 - NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.