Hà Nội triển khai mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề

Chia sẻ:

Để phát triển các làng nghề và hỗ trợ các sản phẩm OCOP, thành phố đã thành lập các trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã.

Các sản phẩm nông sản của Hà Nội được giới thiệu tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP. Ảnh: Lê Phú

Các sản phẩm nông sản của Hà Nội được giới thiệu tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP. Ảnh: Lê Phú

"Tiếp sức" cho làng nghề phát triển

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, TP có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có khoảng 500 làng có nghề đang hoạt động. Các sản phẩm của làng nghề khá đa dạng, với nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Không chỉ dẫn đầu cả nước về số lượng làng nghề, Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP. Từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.

Thời gian qua, TP Hà Nội và các sở, ngành, địa phương đã quan tâm, triển khai nhiều giải pháp, hoạt động hỗ trợ các làng nghề, các chủ thể OCOP trong phát triển sản phẩm qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, du lịch… Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động, nhất là khi thị trường xuất khẩu, sức mua của thị trường nội địa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có xu hướng chậm lại, đầu ra của các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn. Để đẩy mạnh phát triển các làng nghề và hỗ trợ các sản phẩm OCOP, thành phố đã thành lập các trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã.

Cuối năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã công nhận 10 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các xã: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ)…

Mục tiêu của các trung tâm này là nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn.

Nghệ nhân Vũ Văn Ca (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) cho biết, xã có 7/7 làng có nghề khảm trai, sơn mài đã được thành phố công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Do đó, việc ra đời trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch nhằm "tiếp sức" cho làng nghề là niềm vui lớn đối với các hộ sản xuất cũng như chính quyền, Nhân dân địa phương.

Thúc đẩy sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm ở các làng nghề

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch; góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện.

Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Quyết định số 717/QĐ-SCT về việc Công nhận Mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã năm 2023.

Việc công nhận mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm mỹ nghệ là động lực quan trọng giúp thúc đẩy sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm ở các làng nghề; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo sản xuất – chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2025, mỗi huyện sẽ có ít nhất một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã.

Để phát huy tính hiệu quả của các trung tâm này, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc chú trọng nội dung, hình thức thì để xây dựng được các trung tâm thiết kế, sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề với định hướng phát triển du lịch, cần tính toán những yếu tố về cơ sở hạ tầng cần thiết để đón khách du lịch.

Đơn cử, các trung tâm này phải có đường giao thông thuận lợi, bố trí được điểm trông giữ, đỗ xe lớn bởi các công ty lữ hành thường tổ chức đoàn khách lớn, đông,…

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Minh Tiến, Hà Nội cần nâng cấp, cải tạo cảnh quan của các làng nghề truyền thống, xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, thì mới có thể phát triển được du lịch. Nếu làm tốt, Hà Nội có thể biến 327 làng nghề, làng nghề truyền thống trở thành 327 điểm du lịch đặc sắc của Thủ đô.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, năm 2024, thành phố đặt ra chỉ tiêu công nhận từ 5 đến 10 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã. Để phát huy hiệu quả của các trung tâm, sau khi thành phố công nhận, cần tăng cường đầu tư, nâng cấp trên cơ sở hạ tầng hiện có cũng như làm tốt công tác quản lý, vận hành.