Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội
Năm 2024 được xác định là năm 'tăng tốc, bứt phá và về đích' để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về 'Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'. Với tinh thần 'quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt', cấp ủy, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững.
Sản phẩm OCOP của TP Thanh Hóa được trưng bày tại Công viên Hội An dịp lễ 30/4, 1/5 năm 2024.
TP Thanh Hóa bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Dẫu vậy, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt khó của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân nên kinh tế - xã hội tiếp tục có bước phát triển với nhiều gam màu tươi sáng. Qua đánh giá của Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024 là tương đối tích cực, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ có triển vọng hoàn thành và vượt mức kế hoạch. Trong 37 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2024 được UBND tỉnh, Thành ủy, HĐND thành phố giao, đã có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch; còn lại 29 chỉ tiêu đang thực hiện, trong đó nhiều chỉ tiêu có triển vọng hoàn thành và vượt mức kế hoạch. Nổi bật trong bức tranh kinh tế của TP Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có nhiều khởi sắc và đạt kết quả khá toàn diện. Bên cạnh duy trì diện tích gieo trồng khoảng 5.219 ha, TP Thanh Hóa đã tích tụ, tập trung được 125 ha đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn, vượt 56,25% kế hoạch cả năm UBND tỉnh giao. Trong đó khôi phục sản xuất lại 70 ha đất nông nghiệp bỏ hoang nằm trong quy hoạch Khu Công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC. Chương trình phát triển sản phẩm OCOP được cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến các phường, xã quan tâm chỉ đạo. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã hoàn thành xây dựng 9 sản phẩm OCOP, vượt 4 sản phẩm so với kế hoạch.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhưng ngành dịch vụ, thương mại của TP Thanh Hóa tiếp tục phát triển, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác tăng trưởng so với cùng kỳ. Với việc mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thành phố duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, như: giày da các loại tăng 19,4%; quần áo may mặc tăng 18,4%; dứa đóng hộp tăng 9,9%; hải sản đông lạnh tăng 15,1%. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 của TP Thanh Hóa đạt con số ấn tượng là 908,5 triệu USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 31% giá trị xuất khẩu của tỉnh; là địa phương có tỷ trọng xuất khẩu đứng thứ 2 toàn tỉnh.
Một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của TP Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm 2024 là những chuyển động mạnh mẽ của ngành “công nghiệp không khói”. Cùng với thành phố, các phường, xã đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương đến với vùng đất Hạc Thành. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đón 1,754 triệu lượt khách, tăng 13,2% so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.391 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ.
Với mục tiêu xây dựng TP Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại; là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền thành phố tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiến thiết, nâng tầm đô thị. Cụ thể, UBND TP Thanh Hóa đã trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 65 dự án, với tổng mức đầu tư là hơn 2.262 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra. Trong 6 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đạt 633,3 tỷ đồng, đạt 62% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 97,9% so với cùng kỳ. Đáng kể hơn, thành phố đã khởi công 4 công trình trọng điểm theo Nghị quyết số 303/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thanh Hóa với tổng mức đầu tư hơn 2.079 tỷ đồng, gồm: Dự án Cung Văn hóa thiếu nhi và Trung tâm thể dục thể thao; Dự án Cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An; Dự án Mở rộng Đại lộ Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến Cầu Đống; Dự án Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ đông Tây.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế tiếp tục tăng trưởng với nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ. Những kết quả trên là tiền đề quan trọng để TP Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Từ đó, tạo “bệ phóng” vững chắc để thành phố vươn tầm trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp CNH, HĐH; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; có kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao.