Quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng cho nông sản
Nông dân xã Mường Sang, huyện Mộc Châu chăm sóc cam.
Toàn tỉnh hiện có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 2.714ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương, sản lượng 43.570 tấn/năm; có 8.200ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ; duy trì 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; cấp 294 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.150 ha; 28 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh... Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản luôn được tỉnh ta quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương thực hiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về xuất khẩu. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã được đẩy mạnh đã làm thay đổi tư duy, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững để nâng cao sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh trên thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, nhiều quốc gia yêu cầu trái cây tươi cùng một số nông sản khác của Việt Nam phải có cấp mã số thì mới đủ điều kiện nhập khẩu nhằm mục đích theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Nhiều nước nhập khẩu đã tăng cường tần suất giám sát mã vùng trồng, cơ sở đóng gói theo định kỳ hàng tuần.
Để bảo vệ và duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ngoài việc giám sát của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và nông dân phải xem đây như một loại tài sản và có ý thức tự bảo vệ, nếu phát hiện ra các hành vi sai phạm phải có động thái thông báo cho các cơ quan chức năng biết để bảo vệ mã số của mình.
Các ngành chức năng cần đẩy mạnh tập huấn nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, cơ sở thực hiện xây dựng vùng trồng đảm bảo cho việc cấp mã. Trước mắt, tập trung xây dựng mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa. Khi đảm bảo hình thành được các chuỗi liên kết, tìm được thị trường thì mở rộng ra xuất khẩu.
Tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương hình thành mã vùng trồng. Tăng cường tổ chức liên kết sản xuất cho nông dân tại các vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu; chủ động làm tốt công tác vệ sinh vườn trồng, hồ sơ, tài liệu ghi chép toàn bộ quá trình tác động vào vườn trồng, theo dõi việc phát hiện và xử lý các loài sinh vật gây hại tại vườn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
Thực hiện tốt việc thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025 đã được UBND tỉnh ban hành, góp phần đưa nông sản của tỉnh Sơn La ngày càng phát triển bền vững.