Chưa 'mặn mà' khó trụ vững trên hành trình OCOP?
Có tư duy rõ ràng đi liền với việc lên kế hoạch cụ thể thì các HTX mới có thể đi đường dài trong hành trình phát triển sản phẩm OCOP. Còn nếu coi đây chỉ là thử nghiệm thì HTX rất khó vượt qua được những khó khăn và cũng rất khó hưởng được những giá trị bền vững từ sản phẩm đặc trưng.
Sau bao quá trình chuẩn bị, hoàn thiện, nâng cấp, đánh giá, tháng 6 vừa qua, miến dong của HTX Tài Hoan (Bắc Kạn) được đánh giá lại và tiếp tục được công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao.
Bắt đầu từ đổi thay tư duy
Để trụ vững trên con đường OCOP với chứng nhận 5 sao và vươn ra thị trường quốc tế là cả một hành trình dài mà các thành viên HTX Tài Hoan phải vượt qua. Bởi các quy định đánh giá sản phẩm OCOP không chỉ dừng ở cấp xã, huyện để hoàn thiện thủ tục mà cần có sự tư vấn, hỗ trợ trong nâng cao chất lượng từ phía đối tác. HTX cũng phải tiếp cận đơn vị tư vấn để có thiết kế mẫu mã bắt mắt, hợp quy.
Quan trọng hơn, theo bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan, để giữ vững được chứng nhận 5 sao, các thành viên và ban quản trị HTX xác định đây là hướng đi lâu dài, luôn phải làm việc chăm chỉ nhiệt tình, cùng nhau gìn giữ và phát triển sản phẩm theo hướng bền vững.
Miến dong của HTX Tài Hoan là sản phẩm nổi bật trong chương trình OCOP. |
Đó là đối với HTX Tài Hoan. Hiện, không ít HTX trên cả nước đang gặp những rào cản trong việc phát triển sản phẩm OCOP như nâng cấp sao, tái đánh giá, thiếu chi phí…. Trong đó, theo các chuyên gia, nút thắt lớn chính là vấn đề tư duy chưa thông suốt của một số chủ thể.
Nhiều chủ thể hiện nay chưa thực sự hào hứng với việc tái chứng nhận, gia hạn sản phẩm OCOP. Có thành viên HTX mới xác định việc tham gia chương trình này là cuộc thử nghiệm. Nếu sản phẩm được chứng nhận sẽ là điều tốt để mở rộng thị trường, còn nếu không được, HTX sẽ có hướng đi khác như tập trung vào đa dạng sản phẩm…
Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu, cho rằng nhận thức của các HTX tham gia chương trình OCOP tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn có giám đốc, thành viên HTX có tâm thế, tư duy hạn chế trong phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Điều này có thể do lãnh đạo, thành viên HTX chưa hiểu và chưa thấy hết được những giá trị của Chương trình OCOP nên chưa mặn mà với việc phát triển sản phẩm OCOP. Một số HTX còn ngại về vấn đề hồ sơ, thủ tục, chi phí và có tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nên chưa chủ động tham gia chương trình này.
Có những HTX tham gia chương trình OCOP chủ yếu do sự khích lệ của chính quyền địa phương. Trong khi chính thành viên, giám đốc HTX chưa định hình rõ mình cần phải làm gì trước, làm gì sau khi tham gia Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Minh Tân (Thái Bình), cho biết vấn đề chi phí nên việc đánh giá, phân hạng lại sản phẩm cây phát lộc đã được chứng nhận OCOP 4 sao gặp khó khăn. Một số thành viên trong HTX lại cho rằng việc công nhận lại sẽ phải làm hồ sơ, thủ tục đề nghị như lần công nhận trước, gây tốn kém chi phí, thời gian, công sức.
Tự tin sáng tạo là cốt lõi
Theo các chuyên gia, nút thắt về tư duy là điều khó khăn nhất trong tham gia chương trình OCOP. Vì nếu tư duy không thông, chưa rõ thì việc tìm vốn ở đâu, phải làm gì, tổ chức sản xuất ra sao, làm sao để nâng cao năng lực sản phẩm, đổi mới mẫu mã… sẽ khó có thể được giải quyết.
Khi suy nghĩ chưa rõ ràng, HTX cũng dễ rơi vào bế tắc trong việc nâng cao chất lượng, đầu tư mở rộng sản xuất. Khi đó, có thể HTX đã được chứng nhận sản phẩm OCOP nhưng cũng có thể bị thu hồi hoặc không thể giữ hoặc nâng cấp sao cho sản phẩm.
Trong khi, theo quy định, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao chỉ có giá trị trong thời hạn 36 tháng. Sau thời gian trên, chủ thể sản phẩm phải làm thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận lại cho sản phẩm.
Chưa kể đến việc các chủ thể phải tự hoàn thiện hồ sơ để được cơ quan quản lý đánh giá, công nhận lại. Đây cũng là quá trình mất rất nhiều thời gian, công sức và cả nguồn vốn đầu tư của các chủ thể.
Điều này cũng là một trong những nguyên nhân cho dù chiếm đến 32% chủ thể tham gia chương trình OCOP nhưng số lượng HTX đạt chứng nhận OCOP 5 sao vẫn còn khá khiêm tốn. Chỉ có một số HTX được điểm tên như HTX Tài Hoan (Bắc Kạn), HTX miến Việt Cường, HTX Hảo Đạt (Thái Nguyên), HTX chè Phìn Hồ (Hà Giang), HTX Bích Thao (Sơn La), HTX gốm sứ Tân Thịnh (Hà Nội). Còn lại phần lớn số sản phẩm OCOP 5 sao thuộc về các doanh nghiệp.
PGS.TS Trần Văn Ơn, Cố vấn Chương trình OCOP Việt Nam, cho rằng đổi mới tư duy, trong đó có yếu tố tự tin là rất quan trọng vì khi tư duy thông suốt, tự tin vào chính mình thì sẽ có sự sáng tạo trong phát triển sản phẩm OCOP.
Điều này có nghĩa là người dân, HTX tham gia OCOP với niềm tin mình có thể phát triển, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm lợi thế của mình. HTX tự tin rằng có thể triển khai bằng nguồn lực sẵn có của mình, dưới các dạng vốn đa dạng như tiền, đất đai, sức lao động, bí quyết, công nghệ truyền thống, văn hóa, cảnh quan địa phương. Từ đây HTX sẽ có những sáng tạo và cải tiến sản phẩm/dịch vụ của mình nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Muốn làm điều này, trước tiên Nhà nước cần kiến tạo môi trường sáng tạo cho nông dân, HTX thông qua triển khai Chương trình OCOP. Khởi đầu từ việc HTX đề xuất ý tưởng sản phẩm, triển khai sản xuất, kinh doanh sản phẩm của mình bằng vốn có sẵn, sau đó qua quá trình đánh giá và phân hạng sản phẩm, HTX xác định được các điểm còn yếu của sản phẩm để cải tiến và tiếp tục dự cuộc thi đánh giá và phân hạng tiếp theo.
Để thành viên HTX tự tin hơn, Nhà nước cần tổ chức đào tạo, huấn luyện cho họ về các kiến thức, kỹ năng của sản xuất, quản trị kinh doanh, kết nối các nguồn lực...
Bên cạnh đó, việc đồng hành với chủ thể OCOP không chỉ dừng lại trong khuôn khổ biến ý tưởng thành hiện thực, mà cần tiếp tục hỗ trợ cả sau quá trình HTX được công nhận, nâng cấp sản phẩm OCOP.
Còn về phía HTX, cần xóa bỏ những tuy duy ngắn hạn, trước mắt. Thay vào đó, HTX nên chủ động tìm hiểu, nghiên cứu về OCOP để có sự tự tin trong phát triển, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm mang tính thế mạnh của mình trên thị trường.