Gỡ khó để phát triển sản phẩm OCOP
'Mỗi xã một sản phẩm (SP)' (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018. Thời gian qua, tỉnh Long An từng bước xây dựng các chính sách hỗ trợ và giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng SP, kết nối giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ để phát triển bền vững.
Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến cuối tháng 7/2024, toàn tỉnh có 198 SP OCOP (trong đó có 151 SP OCOP 3 sao, 47 SP OCOP 4 sao). Phần lớn là những SP có chất lượng nổi trội; sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương thành công trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển làng nghề truyền thống và tạo ra các SP đặc trưng. Các SP OCOP không chỉ đa dạng về mẫu mã, thân thiện với môi trường mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, góp phần nâng cao giá trị SP nông nghiệp và phát triển kinh tế địa phương.
Những năm qua, Sở NN&PTNT phối hợp các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức, năng lực cho chủ cơ sở, cán bộ, công chức các cấp trong triển khai, thực hiện Chương trình OCOP.
Qua đó, giúp cán bộ quản lý và các chủ thể hiểu rõ về nội dung, ý nghĩa của Chương trình OCOP; vận dụng để hình thành các SP OCOP tại địa phương. Hàng năm, tỉnh tổ chức và tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá SP OCOP tại khoảng 50 sự kiện, hội chợ triển lãm; đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ thể tham gia nhiều hội chợ khác ở trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm trà chùm ngây của Vườn Nhà Mình (huyện Tân Trụ) được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2021
Tuy nhiên, việc phát triển SP OCOP vẫn còn hạn chế. Các SP tham gia đánh giá phân hạng phần lớn là các SP sẵn có. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết, hiện tâm lý người dân trong huyện vẫn còn “ngại” thực hiện các thủ tục để hoàn chỉnh các hồ sơ cần đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; mã vạch truy xuất nguồn gốc SP; giấy chứng nhận cơ sở đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm;... Đồng thời, các SP trên địa bàn huyện đa số thực hiện thủ công và mang tính truyền thống nên khó áp dụng cơ giới, việc mở rộng sản xuất vì thế cũng gặp khó khăn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Hồ Thị Ngọc Lan thông tin, thời gian tới, Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ cấp tỉnh đến cấp xã, ấp để nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP. Đồng thời, Sở hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu địa phương; xây dựng chuỗi giá trị; hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, máy móc, thiết bị chế biến phù hợp với điều kiện của địa phương; hỗ trợ hoàn thiện bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; quảng bá và xúc tiến thương mại;...
Ngoài ra, Sở đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), các cơ sở, hộ sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; tăng cường chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển SP OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.
Phát triển từ thế mạnh địa phương
Đại diện Công ty TNHH Dược liệu Thiên Mộc (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) giới thiệu sản phẩm OCOP với khách hàng
Huyện Đức Hòa hiện có 8 SP OCOP 3 sao. Tất cả các SP thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chưa đa dạng ngành do đặc thù địa phương. Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Hòa - Lê Thị Thanh Thảo, trong 2 năm gần đây, tinh thần phối hợp để phát triển SP OCOP giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện rất cao. Lãnh đạo sở, ngành, huyện rất quan tâm, chú trọng đến SP OCOP, những đề xuất, kiến nghị đều được xem xét, hỗ trợ.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Thiên Mộc (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) - Nguyễn Hùng Vĩ bên sản phẩm OCOP trưng bày
Phó Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Thiên Mộc (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) - Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ: “Từ khi đạt chuẩn OCOP, SP Thiên Mộc trà hoa 27 vị của công ty dễ tiếp cận hơn với thị trường vì OCOP là bảo chứng cho SP. Khi SP được bày bán tại TP.Hà Nội, người dân thấy SP OCOP là mua ngay, không e dè. Hiện tại, Cty chuẩn bị hồ sơ OCOP cho SP viên nhàu mật ong rừng”.
Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao An Long (xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa) giới thiệu sản phẩm OCOP 3 sao Gạo lứt tím
SP OCOP gạo lứt tím của HTX Nông nghiệp công nghệ cao An Long (xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa) cũng được thị trường đánh giá cao nhờ ưu điểm dẻo, ngọt cơm. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao An Long - Đinh Văn Chăn, gạo lứt tím của HTX được sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại. Các loại thuốc dùng trong sản xuất là hợp chất vi sinh, hữu cơ, hạn chế tối đa phân, thuốc hóa học. Cty sẽ 1 đền 1 nếu phát hiện tồn dư hóa chất trong SP. HTX đang nghiên cứu nhiều SP tiềm năng khác như gạo ST25 mới, rượu đòng đòng,...
Tuy SP OCOP tại huyện Đức Hòa có chất lượng tốt nhưng sức tiêu thụ chưa mạnh, nhất là tại địa phương. Nguyên nhân là một số chủ thể hài lòng với hiện tại, không phát triển cơ sở lớn mạnh thêm. Nguồn nguyên liệu tại huyện cũng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển lớn. Một số đơn vị còn yếu trong quảng bá SP ra thị trường. Thực tế cho thấy, nhiều người dân muốn phát triển SP đạt chuẩn OCOP nhưng do “ngại” trong khâu giấy tờ, thủ tục nên vẫn còn băn khoăn, chần chừ trong việc thực hiện.
Theo bà Lê Thị Thanh Thảo, các SP OCOP của huyện đều được hỗ trợ, khi chủ thể có thắc mắc đều được giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, để SP OCOP phát triển hơn cần làm nhiều việc để khắc phục những hạn chế. Đó là cần một đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp để tư vấn cho người tiêu dùng; nông dân và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ hơn trong vấn đề cung cấp, bao tiêu SP, tránh tình trạng thiếu nguồn cung nguyên liệu tại địa phương.
Những năm qua, Chương trình OCOP trở thành động lực thúc đẩy sản xuất hàng hóa chất lượng cao tại địa phương. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của chương trình, việc xây dựng một hệ sinh thái OCOP bài bản, nơi các SP có thể cạnh tranh lành mạnh và cùng nhau phát triển là vô cùng cần thiết. Qua đó, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực, tạo ra một thị trường nội địa mạnh mẽ, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu./.
Thực hiện Chương trình OCOP là cơ hội vàng để nâng cao giá trị SP nông nghiệp địa phương và cải thiện đời sống nông dân. Bên cạnh việc xác định thế mạnh và liên kết hợp tác, các hộ nông dân cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về sản xuất, chế biến và tiếp thị SP. Đồng thời, Hội Nông dân cần tăng cường vai trò “cầu nối”, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn lực, thông tin và thị trường”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc - Lê Hoài Nam
Muốn phát triển SP OCOP, cần xác định rõ thế mạnh của mình và tận dụng lợi thế của địa phương. Việc đầu tư vào chất lượng SP, xây dựng thương hiệu mạnh, ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị và tham gia các chương trình hỗ trợ cũng rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần liên kết với các đối tác để cùng nhau quảng bá và tiêu thụ SP một cách bền vững”.
Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao An Long, huyện
Đức Hòa - Đinh Văn Chăn
Nhờ Chương trình OCOP, công ty có điều kiện nâng cao chất lượng SP, bán được nhiều hàng hơn, kinh tế phát triển hơn. Thời gian tới, công ty sẽ tăng cường hơn nữa việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, đưa SP tham gia các hội chợ thương mại, diễn đàn, góp phần vào sự phát triển của địa phương”.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Thiên Mộc, thị trấn
Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa - Nguyễn Hùng Vĩ
Long An có 168 sản phẩm đạt chuẩn OCOP
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã công nhận thêm 20 sản phẩm OCOP.