Hội Nông dân Duy Tiên hỗ trợ hội viên chuyển đổi số

Chia sẻ:

Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Duy Tiên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ hội viên ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất, góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế tại địa phương.

Việc áp dụng công nghệ số trong phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP, VietGAP và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng của Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đây là giải pháp cần thiết để tối ưu hóa quy trình sản xuất; đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp được ví như "chìa khóa" để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành công và bền vững.

Tại thị xã Duy Tiên, 100% diện tích lúa đã được cơ giới hóa, từ khâu làm đất đến thu hoạch. Bên cạnh đó, gần 20% diện tích lúa được áp dụng công nghệ phun thuốc trừ sâu và phân bón lá bằng máy bay không người lái. Các mô hình canh tác hiện đại, như trồng ổi, bưởi, nho hạ đen và rau hữu cơ đều sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp lưới che và bọc quả. Mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ nuôi cá theo mô hình "sông trong ao". Đặc biệt, ngành chăn nuôi bò sữa không chỉ tập trung cung cấp sữa cho các công ty lớn, mà còn chế biến các sản phẩm sữa có giá trị thương hiệu, như Hanamilk, Mục Đồng và Mộc Bắc milk.

HND thị xã Duy Tiên hỗ trợ hội viên ứng dụng công nghệ số vào sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng của HTX sản xuất rượu Winsky Tiên Sơn.

HND thị xã Duy Tiên hỗ trợ hội viên ứng dụng công nghệ số vào sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng của HTX sản xuất rượu Winsky Tiên Sơn.

Không chỉ tập trung vào sản xuất, HND thị xã Duy Tiên còn đẩy mạnh công tác quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân qua các kênh truyền thông xã hội, như facebook, zalo và fanpage. Hội đã phối hợp với ngành bưu điện hướng dẫn hơn 150 hội viên tạo gian hàng và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Ngoài ra, hội đã cử 5 cán bộ và hội viên tham gia khóa đào tạo tại Hà Nội về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong viết nội dung quảng cáo, thiết kế hình ảnh và xây dựng kịch bản livestream để tăng cường hiệu quả bán hàng trực tuyến.

Đặc biệt, ứng dụng “Nông dân Việt Nam” đã được triển khai cài đặt trên 100% điện thoại của cán bộ chuyên trách và lãnh đạo hội cơ sở, giúp thông tin, chuyển tải chính sách và phong trào của hội một cách nhanh chóng, chính xác đến hội viên. HND các xã, phường thu thập dữ liệu hội viên để cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 100% theo Đề án 06. Đồng thời, triển khai cài đặt ứng dụng “Nông dân Việt Nam” trên Google Play tới 100% cán bộ chuyên trách HND thị xã và chủ tịch, phó chủ tịch hội cơ sở, đây là kênh chính thống để kịp thời nắm bắt, chuyển tải các thông tin, chính sách và phong trào của hội; chỉ đạo HND xã, phường thu thập dữ liệu hội viên cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt 100% theo Đề án 06.

Ngoài ra, HND thị xã Duy Tiên phối hợp với Trung tâm Tin học và Công nghệ số thuộc Cục thương mại điện tử (Bộ Công thương) nhằm tư vấn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất nông sản, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và các sản phẩm OCOP áp dụng công nghệ số. Các giải pháp được triển khai, bao gồm: truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên nền tảng điện tử. Bên cạnh đó, HND cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động hơn 250 hội viên tham gia chương trình cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Đến nay, 7 tập thể và cá nhân được cơ quan thẩm quyền cấp mã số vùng trồng, nổi bật, như: Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mục Đồng, Hợp tác xã Trồng cây ăn quả xã Mộc Nam và Trang trại Happy Farm của hội viên Nguyễn Văn Phóng tại xã Trác Văn.

Trong khuôn khổ chương trình xây dựng sản phẩm OCOP, HND đã hướng dẫn 30 chủ thể hoàn thiện và đăng ký 45 ý tưởng. Kết quả là 37 sản phẩm của hội viên đạt chứng nhận OCOP; trong đó có 11 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 26 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP này hiện đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử, như: santhuongmaihanam.com.vn, posmart.vn, voso, Shopee, Lazada, TikTok Shop, cùng hàng nghìn đơn hàng thành công.

Công nghệ số không chỉ giúp nông dân tiếp cận thị trường, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng, mà còn hỗ trợ họ sản xuất và cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Bà Phạm Thị Tiền Giang, Chủ tịch HND thị xã Duy Tiên cho biết: Để hỗ trợ hội viên ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển sản phẩm OCOP, VietGAP và truy xuất nguồn gốc nông sản hiệu quả, các cấp hội cần ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và đề án liên quan đến chuyển đổi số. Bên cạnh đó, HND cũng đang tập trung tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, hội viên nông dân. Mục tiêu là giúp họ không chỉ xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mà còn tiến tới phát triển nền nông nghiệp thông minh và bền vững.