Nhiều yếu tố kìm hãm xuất khẩu cá ngừ

Chia sẻ:

Trong khi nhiều mặt hàng thủy sản như tôm, cá tra được dự báo sẽ phục hồi tốt trong năm nay thì cá ngừ lại vướng phải nhiều yếu tố có thể kìm hãm sự phục hồi.

Rơi khỏi mốc "tỷ đô"

Khai thác cá ngừ là thế mạnh của nước ta, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước và còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Năm 2022, xuất khẩu cá ngừ lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD nhưng năm 2023 kim ngạch lại đi xuống trong khó khăn chung của toàn ngành thủy sản. Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, sau nhiều tháng sụt giảm, đến tháng 12.2023 xuất khẩu cá ngừ mới tăng trưởng nhẹ trở lại ở mức 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung năm 2023, ngành cá ngừ thu về 845 triệu USD, giảm 17% so với năm 2022.

Mỹ là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của nước ta. Sau khi tăng trưởng liên tục trong tháng 10 và 11, kim ngạch sang thị trường này giảm nhẹ 1% trong tháng 12.2023. Cả năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đạt 326 triệu USD, giảm 33%.

Thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 2 là Israel cũng giảm nhập khẩu 6% trong tháng 12.2023. Tuy nhiên, do tăng trưởng tốt trong nhiều tháng trước đó, nên xuất khẩu sang thị trường này cả năm 2023 tăng 37%, đạt hơn 50 triệu USD. Xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản cũng sụt giảm trong tháng 12.2023, với mức giảm lần lượt là 12% và 8%.

Năm 2024 xuất khẩu cá ngừ dự báo chậm phục hồi.

Trái với xu hướng trên, xuất khẩu cá ngừ sang EU tiếp tục tăng trưởng tốt, tăng 25% trong tháng 12.2023. Tính chung cả năm, kim ngạch tăng nhẹ 6% so với năm 2022. Tại khối thị trường này, Italy vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng “phi mã”, tăng 361% so với năm 2022.

Sau một thời gian bất ổn, xuất khẩu sang thị trường Nga đang tăng liên tục trở lại trong những tháng cuối năm 2023. Riêng tháng 12, xuất khẩu cá ngừ sang Nga tăng 96% so với cùng kỳ; cả năm 2023 xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 29 triệu USD, tăng 18% so với năm trước đó.

Vướng quy định kiểm soát an toàn thực phẩm

 

Trong khi nhiều dự báo cho thấy các mặt hàng thủy sản như tôm, cá tra sẽ phục hồi tốt trong năm 2024 thì cá ngừ lại vướng nhiều thách thức có thể khiến xuất khẩu chậm phục hồi.

Cụ thể là Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP. Ngoài ra, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm nhiệt, nhưng căng thẳng tại Biển Đỏ khiến giá cước vận tải tăng cao sẽ làm cho giá cá ngừ thành phẩm vẫn neo mức cao.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tại nhiều nước chưa có dấu hiệu hồi phục. Sự cạnh tranh tại các thị trường ngày càng gay gắt và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao. Tất cả các yếu tố này sẽ kìm hãm sự phục hồi xuất khẩu cá ngừ, chuyên gia của VASEP nhìn nhận.

Bên cạnh khó khăn thị trường, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do những bất cập về quy định kiểm soát an toàn thực phẩm hiện hành của Việt Nam. Cụ thể, theo “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU” ban hành tại Quyết định số 5523/QĐ-BNN-CCPT ngày 21.12.2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu giấy Chứng thư an toàn thực phẩm (H/C) do cơ quan thẩm quyền các nước cấp (theo mẫu số “28” của EC) kèm theo các lô nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả các lô cá tàu (cá được các tàu đánh bắt, chuyển sang các tàu cấp đông trên biển (freezer vessel), không chế biến, đóng gói hay bảo quản trên đất liền. Các tàu cấp đông này chở nguyên liệu từ biển vào Việt Nam giao cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, không thể có giấy H/C do cơ quan thẩm quyền nào cấp.

Các doanh nghiệp cá ngừ đang gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện quy định này và ngành xuất khẩu cá ngừ 1 tỷ USD của Việt Nam có nguy co hẹp và bị cạnh tranh thị phần tại châu Âu cũng như nguồn cung nguyên liệu cá ngừ khi các doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế nhiều nguồn nguyên liệu cá ngừ tốt.

Theo quy định của EU (2022/2292 & 2020/2235), nguyên liệu trên các tàu cấp đông như trên khi chuyển vào các nước thành viên EU thì cơ quan thẩm quyền EU cũng không yêu cầu giấy H/C do cơ quan thẩm quyền cấp mà chỉ yêu cầu H/C do thuyền trưởng ký.

Với những thách thức như vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, VASEP đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành cần tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc này cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.

Nguồn: daibieunhandan