OCOP Đắk Nông chưa đa dạng
Sản phẩm OCOP Đắk Nông vẫn chưa có sự phát triển đa dạng, gây mất cân đối giữa các nhóm ngành hàng.
Với tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa phong phú, Đắk Nông là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm OCOP đa dạng theo các nhóm ngành hàng.
Thời gian qua, tỉnh xác định phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm ngành hàng chủ yếu gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn - bán hàng.
95/96 sản phẩm OCOP Đắk Nông thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm
Tuy nhiên, việc phát triển đồng đều các sản phẩm OCOP tại Đắk Nông còn chưa đạt kỳ vọng. Đến nay, Đắk Nông đã có 96 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 18 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm đang được đề nghị Trung ương đánh giá 5 sao.
Đáng chú ý, trong số 96 sản phẩm OCOP có tới 95 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 1 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống.
Các nhóm ngành hàng còn lại chưa có sản phẩm được công nhận OCOP. gồm thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn - bán hàng chưa có sản phẩm OCOP nào.
Điều này cho thấy, phát triển sản phẩm OCOP ở Đắk Nông chưa có sự cân bằng giữa các ngành hàng. Hay nói cách khác, tỉnh còn chưa khai thác được các tiềm năng, lợi thế ở nhiều lĩnh vực có thế mạnh để phát triển các sản phẩm đặc trưng.
Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa hiện có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao là mắc ca sấy, thanh rong biển kẹp hạt và thanh hạt dinh dưỡng. Các sản phẩm này đều thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm, với nguyên liệu địa phương và nước ngoài.
OCOP Đắk Nông vẫn khó cạnh tranh với sản phẩm cùng ngành hàng trong nước
Theo chị Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa, chị tham gia nhiều đợt giới thiệu, quảng bá sản phẩm cả trong nước, nước ngoài. Tuy nhiên, chị nhận thấy rằng, việc tạo sự khác biệt với sản phẩm cùng loại, cùng dòng tiêu thụ là không hề dễ.
"Sự cạnh tranh cùng nhóm hàng là rất khốc liệt bởi mình gia nhập thị trường muộn hơn. Đó là chưa kể những hạn chế về kỹ năng bán hàng của mình chưa bắt kịp xu hướng hiện đại", chị Dịu chia sẻ.
Tương tự, cà phê bột Hoàn Phương là sản phẩm đạt OCOP 3 sao tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp. Theo ông Lê Văn Hoàn, Giám đốc HTX Hoàn Phương, HTX có một số dòng sản phẩm phục vụ theo nhu cầu khách hàng như honey, natural.
Việc chế biến sản phẩm của doanh nghiệp được phát triển theo hướng cà phê thật, nguyên chất với khẩu hiệu “tìm về hương vị cà phê thật”.
Tức sản phẩm không pha trộn, hạt cà phê được tuyển chọn tuy nhiên khi tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại thì khó gây ấn tượng mạnh bởi có đến hàng trăm sản phẩm cà phê.
Cà phê Đắk Nông khó cạnh tranh trong cùng ngành hàng nếu không có sự khác biệt lớn
Nhiều sản phẩm OCOP của Đắk Nông tập trung vào một số mặt hàng chủ lực như cà phê, tiêu, mắc ca và các sản phẩm nông sản là thực tế dễ hiểu. Bởi đây đều là những sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, phát triển sản phẩm OCOP Đắk Nông cần thêm sự đa dạng, khai thác các tiềm năng từ nguyên liệu. Đắk Nông cần làm cho sản phẩm OCOP trở nên đa dạng, phong phú về ngành hàng, tạo bước chuyển về cơ cấu kinh tế, thu nhập, sinh kế cho cư dân nông thôn.
Đắk Nông cần đa dạng sản phẩm OCOP theo nhiều nhóm ngành hàng
Đắk Nông là vùng đất giàu tài nguyên văn hóa với sự đa dạng về 40 dân tộc anh em, dân tộc bản địa, phong tục, văn hóa và môi trường sinh thái. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển các sản phẩm đặc trưng từ nông sản, thảo dược đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, may mặc, văn hóa, du lịch, dịch vụ.
Việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm mới đa dạng ngành hàng, dựa trên lợi thế về địa lý, tự nhiên, văn hóa, sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu OCOP của Đắk Nông, từ đó tạo động lực cho sự phát triển bền vững là điều mà các cấp, ngành, chủ thể nên quan tâm nhiều hơn.