'Tiếp sức' cho đặc sản vùng miền qua chương trình xúc tiến thương mại

Chia sẻ:

Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo cầu nối liên kết giao thương cho các sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền tại Hà Nội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, không chỉ các đơn vị, doanh nghiệp có cơ hội tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người dân Thủ đô, kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài nước, mà người tiêu dùng còn được tiếp cận với nguồn hàng hóa chất lượng, an toàn.

Cầu nối cho các sản phẩm vùng miền

Trong bối cảnh đầu ra cho nông sản, đặc sản địa phương còn gặp nhiều khó khăn thì giải pháp kết hợp kênh bán hàng truyền thống với thương mại điện tử, liên kết và đẩy mạnh xúc tiến thương mại… là yếu tố sống còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng, miền.

 

Các chương trình xúc tiến thương mại trở thành cầu nối cho nông sản, đặc sản vùng miền đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô.

Các chương trình xúc tiến thương mại trở thành cầu nối cho nông sản, đặc sản vùng miền đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tại Thủ đô cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã tại các tỉnh, thành trong việc tăng cường liên kết giao thương, mở rộng kênh bán hàng… thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện đẩy mạnh việc kết nối cung cầu qua các chương trình xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, đặc sản, các sản phẩm OCOP địa phương. Nhờ đó, nhiều nông sản, đặc sản vùng miền đã có cơ hội giới thiệu, quảng bá đến với người tiêu dùng Thủ đô, đồng thời, có thêm những có hội đưa nông sản, đặc sản vùng miền vào các hệ thống phân phối hiện đại, thậm chí, vươn mình ra thị trường thế giới.

Là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các sản phẩm OCOP với hơn 2.711 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành điểm sáng và đi đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP. Không chỉ chú trọng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP tại Thủ đô, Hà Nội còn quan tâm hỗ trợ các chủ thể trên khắp cả nước giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản an toàn.

Cụ thể, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP như: Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn; Tuần hàng nông sản, trái cây và đặc sản các tỉnh, thành phố… mỗi tuần hàng, hội chợ đều thu hút hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố như: Hà Tĩnh, Hà Giang, Yên Bái, Khánh Hòa, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sơn La, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên tham gia. Hầu hết các đơn vị đều đánh giá cao việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại của Hà Nội, bởi qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã kết nối được nhiều khách hàng, tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình.

 

Chị Nguyễn Thị Minh Thùy - Giám đốc Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh (áo xanh) đang giới thiệu, quảng bá trực tiếp sản phẩm địa phương đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Chị Nguyễn Thị Minh Thùy - Giám đốc Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh (áo xanh) đang giới thiệu, quảng bá trực tiếp sản phẩm địa phương đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Là đơn vị thường xuyên tham gia các tuần hàng, hội chợ kết nối tiêu thụ nông sản các địa phương tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Minh Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh (Bắc Giang) cho biết, hiện, hợp tác xã đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là vải sấy khô và trà hoa cúc chi. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ các chương trình xúc tiến thương mại do Hà Nội tổ chức, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có thêm kênh phân phối giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và được người tiêu dùng rất hài lòng.

“Khi tham gia các hội chợ, tuần hàng do thành phố Hà Nội tổ chức, chúng tôi đã tìm thêm được nhiều đối tác, các đại lý, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch... để ký kết hợp tác, phân phối sản phẩm lâu dài, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn rất nhiều. Đây còn là cơ hội để chúng tôi giới thiệu sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương Bắc Giang trực tiếp với người tiêu dùng Thủ đô”, chị Thùy chia sẻ.

Tạo chuỗi phát triển bền vững

Hiện nay, trong bối cảnh đầu ra cho nông sản, đặc sản địa phương còn gặp nhiều khó khăn, công tác xúc tiến thương mại đã được các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc. Vì thế, bên cạnh các chương trình tuần hàng, hội chợ, xây dựng điểm bán các sản phẩm OCOP, thời gian qua, thành phố Hà Nội còn tổ chức chuỗi các hoạt động Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Thành phố, Chương trình “Festival nông sản Hà Nội”… Những hoạt động này góp phần quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tới người tiêu dùng Thủ đô cũng như du khách trong nước và quốc tế.

 

Người tiêu dùng Thủ đô hào hứng với các chương trình hội chợ, tuần hàng giới thiệu nông, đặc sản vùng miền.

Người tiêu dùng Thủ đô hào hứng với các chương trình hội chợ, tuần hàng giới thiệu nông, đặc sản vùng miền.

Các sự kiện được các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đánh giá là hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng, và là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường và phát triển bền vững.

Đồng hành cùng các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm vùng miền qua các chương trình xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, cho biết, Trung tâm đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng tập trung vào thị trường trong nước với phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”; tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn từ đó góp phần tác động tích cực đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản theo hướng sinh thái, bền vững, áp dụng công nghệ cao.

“Người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua hàng qua kênh thương mại truyền thống mà còn đẩy mạnh tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… Vì vậy, tại các hội chợ, phiên chợ nông sản, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã cần tập trung nhiều vào hoạt động livestream bán nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, các sản phẩm nông sản, đặc sản các tỉnh, thành phố sẽ tạo được sự lan tỏa rộng khắp đến người tiêu dùng cả nước”, ông Nguyễn Ánh Dương chia sẻ.

 

Doanh nghiệp, hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố tận dụng tối đa lợi ích từ các chương trình xúc tiến thương mại do thành phố Hà Nội tổ chức để giới thiêu, quảng bá sản phẩm địa phương.

Doanh nghiệp, hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố tận dụng tối đa lợi ích từ các chương trình xúc tiến thương mại do thành phố Hà Nội tổ chức để giới thiêu, quảng bá sản phẩm địa phương.

Cũng đề cập đến vai trò của Sở Công Thương trong việc đồng hành, hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản các địa phương vào hệ thống các siêu thị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... cho các sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, Sở Công Thương đã thường xuyên cung cấp thông tin, giới thiệu danh sách trên 2.200 sản phẩm OCOP Hà Nội đã được đánh giá, phân hạng đến các doanh nghiệp, siêu thị, Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… của Hà Nội và các tỉnh, thành phố để tổ chức kết nối, tiêu thụ, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị có sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô.

Song song đó, Sở tổ chức hoạt động bán hàng lưu động, các phiên chợ Việt, hội chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, tuần sản phẩm OCOP, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt; các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, Sở tổ chức hội nghị liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…

Với việc thành phố Hà Nội và các đơn vị, ban, ngành của Thành phố đã chủ động triển khai các biện pháp xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, đặc sản của Thủ đô nói riêng và các vùng miền nói chung tại Hà Nội, sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng Việt Nam trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã… trong nước sản xuất. Từ đó, nâng cao giá trị thương hiệu Việt và tạo đầu ra bền vững cho nông sản, đặc sản vùng miền.