Hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở Phù Yên

Chia sẻ:

Từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Phù Yên đã ưu tiên đầu tư cho các xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ các xã vùng sâu, vùng xa xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới.

 

Cán bộ xã Mường Thải, huyện Phù Yên, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây ăn quả.

Cán bộ xã Mường Thải, huyện Phù Yên, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây ăn quả.

Năm 2024, huyện Phù Yên được phân bổ gần 23 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, đề xuất nhu cầu kinh phí để thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí; tham mưu với Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện kế hoạch phân bổ chi tiết nguồn vốn cho từng hạng mục.

UBND huyện đã bố trí 2 tỷ đồng thực hiện 1 công trình giao thông; hơn 5,9 tỷ đồng xây dựng 1 công trình cấp điện nông thôn giai đoạn 2023-2025 và 9,4 tỷ đồng xây dựng 5 công trình lớp học. Phân bổ gần 3,3 tỷ đồng lập quy hoạch mới giai đoạn 2021-2030 cho 20 xã và 2,25 tỷ đồng thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, thiết chế văn hóa, chương trình OCOP... Triển khai hỗ trợ 2 xã Mường Thải và Huy Tường được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM và 3 bản thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tiến hành rà soát, đánh giá, công nhận lại các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2015-2021 theo Quyết định số 18/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM của các xã; nêu rõ những mặt hạn chế và nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục trong quá trình triển khai nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực xã hội hóa.

 

Nhân dân bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, tham gia vệ sinh môi trường.

Nhân dân bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, tham gia vệ sinh môi trường.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới; triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án trên địa bàn, khai thác tối đa nguồn lực trực tiếp tại địa phương, các nguồn vốn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, nguồn huy động của cộng đồng, cá nhân để tập trung ưu tiên hỗ trợ các xã thực hiện.

Phát triển kinh tế để tạo động lực thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, huyện Phù Yên đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; khuyến khích liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn huyện có gần 521 ha lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ; 600 ha cây ăn quả có múi; 5 ha rau an toàn theo quy trình VietGAP; xây dựng 7.319 m2 nhà màng và 19 ha cây ăn quả sử dụng hệ thống tưới tưới nhỏ giọt... Từ đầu năm đến nay, nhân dân trong huyện đã góp tiền và 7.000 công lao động, hiến 3.000 m2 đất xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.

Với nỗ lực của hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, huyện Phù Yên có 10 xã đạt chuẩn NTM; bình quân toàn huyện đạt 12,07 tiêu chí/xã; bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về tổ chức sản xuất và kinh tế nông thôn; bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về cảnh quan, không gian và chất lượng môi trường sống. Phấn đấu đến năm 2025, có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 35 triệu đồng/năm trở lên.