Đồng Tháp thả hơn 200.000 con cá xuống sông Tiền
Lễ phát động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh Đồng Tháp - An Giang - Cần Thơ năm nay được tổ chức tại TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đã thả hơn 200 nghìn con cá giống các loại xuống sông Tiền. Trong đó có nhiều loài thủy sản bản địa quý hiếm về với thiên nhiên như: Cá tra, cá vồ cờ, cá bông lau, cá cóc, cá rô đồng, cá trê vàng, cá hô, cá chạch lấu, lươn, cá mè hôi, cá lăng nha, cá mè vinh, cá hường, cá linh, tôm càng xanh, cá sặc rằn…Tổng số tiền đợt thả cá lần này trên 520 triệu đồng.
Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (ngoài cùng bên phải), cùng các lãnh đạo tỉnh An Giang, Đồng Tháp thực hiện việc nghi thức thả cá.
Tại buổi lễ, ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản được tổ chức thường xuyên ở nhiều địa phương với sự hưởng ứng, tự nguyện, cùng chung tay, góp sức của chính quyền các cấp và tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh vì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản và chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Hành động này có ý nghĩa tích cực làm thay đổi một cách căn bản về nhận thức, hành vi và trách nhiệm trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật Thủy sản, đẩy lùi tình trạng vi phạm trong khai thác thuỷ sản.
“Thông qua buổi lễ thả cá hôm nay, An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp tiếp tục có những hợp tác cụ thể, tích cực trong lĩnh vực thủy sản. Và trong thời gian tới, chương trình thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ngày càng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, trở thành công tác được xã hội hóa nhằm đạt mục tiêu phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản”, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp mong muốn.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2022 đến nay, ngành nông nghiệp đã chủ trì, phối hợp với 3 tỉnh, thành An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ tổ chức thả hàng nghìn tấn cá ra sông Hậu, sông Tiền với nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế, góp phần phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Phạm Trường Yên thực hiện nghi thức thả cá.
Thứ trưởng cho rằng, các hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản có sự phối hợp giữa 3 tỉnh nói trên luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo UBND các tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp địa phương và sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân, các tăng ni, phật tử và người dân trên địa bàn.
“Có thể thấy, mô hình phối hợp chung trong công tác thả giống tái tạo, quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản giữa các tỉnh giáp ranh, cùng chung một dòng bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Các tỉnh trên địa bàn 3 tỉnh nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Tăng cường tuần tra, kiểm tra kiểm soát, vận động người dân không sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt thủy sản, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, Thứ trưởng đề nghị.
Tại buổi lễ, trước sự chứng kiến của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Đồng Tháp đã trao cờ luân lưu đăng cai tổ chức thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp năm 2025 khu vực sông Hậu cho UBND tỉnh An Giang.