Cơ sở OCOP Hà Tĩnh bắt nhịp sản xuất thực hiện mục tiêu năm 2024

Chia sẻ:

Ngay sau tết Nguyên đán, các cơ sở OCOP trên địa bàn Hà Tĩnh tập trung sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường, thực hiện mục tiêu kinh doanh năm 2024.

 

 Tháng sau tết, HTX Chế biến và kinh doanh hải sản Hoa Linh Chi tiêu thụ lượng hàng hóa tăng hơn 30% so với ngày thường.

Tháng sau tết, HTX Chế biến và kinh doanh hải sản Hoa Linh Chi tiêu thụ lượng hàng hóa tăng hơn 30% so với ngày thường.

Hợp tác xã Chế biến và kinh doanh hải sản Hoa Linh Chi hiện có 3 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: tôm nõn khô, mực khô và cá ngần khô. Thời điểm ngay sau tết là cao điểm kinh doanh của HTX, sản lượng tiêu thụ lớn, do đó năm nào HTX cũng bắt tay vào sản xuất từ khá sớm.

Bà Phạm Thị Hoa – Giám đốc HTX cho biết: "Năm nay, mồng 1 tết là chúng tôi đã bán hàng và từ mồng 6 tết trở đi, bắt đầu sản xuất ổn định. Sau tết, người dân mua các sản phẩm hải sản khô để gửi cho người thân, làm quà biếu rất nhiều nên đây là thời điểm kinh doanh nhộn nhịp tương đương trước tết. Sản lượng tháng sau tết chúng tôi bán ra tăng hơn 30% so với ngày thường. Ngoài các sản phẩm OCOP thì tép khô, cá chỉ vàng khô cũng rất “đắt khách”.

“Năm 2023, HTX tiêu thụ khoảng 10 tấn tôm tươi, 30 tấn mực tươi và 8 tấn cá ngần để chế biến thành phẩm và bán ra thị trường. Hiện HTX đang có 11 lao động thường xuyên và nhiều thời điểm phải thuê thêm 15 lao động thời vụ. Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu tăng sản lượng khoảng 20% so với năm 2023. Xác định khâu phát triển thị trường là bước quan trọng để đẩy mạnh sản xuất, tới đây, chúng tôi sẽ thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, nhất là hội chợ giới thiệu về các sản phẩm OCOP để tiếp tục quảng bá thương hiệu sản phẩm đến với nhiều khách hàng hơn” – bà Hoa chia sẻ thêm.

 Năm 2024, HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ Nguyên Lâm đặt kế hoạch sản lượng đạt 4 - 6 triệu bánh đa vừng.

Năm 2024, HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ Nguyên Lâm đặt kế hoạch sản lượng đạt 4 - 6 triệu bánh đa vừng.

Là cơ sở OCOP có sản phẩm xuất khẩu đi Nhật Bản và Nga, từ mồng 4 tết, HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) đã quay trở lại sản xuất. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, HTX đã sản xuất hơn 750.000 bánh và gần 12 tấn miến các loại.

Anh Lê Văn Duẩn - Giám đốc HTX chia sẻ: “Sau những ngày nghỉ tết, 18 lao động của HTX trở lại làm việc để kịp sản xuất sản phẩm, cung ứng cho khách hàng. Năm 2023, HTX đưa ra thị trường khoảng 3 triệu bánh đa vừng, 31 triệu tấn miến, trong đó xuất khẩu hơn 425.000 bánh đa vừng. Từ tháng 11/2023, chúng tôi đã hoàn thành khâu mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất, do đó năm 2024, mục tiêu sản lượng HTX đặt ra là 4 – 6 triệu bánh và 35 tấn miến”.

Còn tại Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia Lan (huyện Thạch Hà) – chủ thể của 2 sản phẩm OCOP 3 sao chả mực và nước mắm, dù thời gian nghỉ tết kéo dài hơn nhưng hiện nay, đơn vị cũng đã vào guồng sản xuất ổn định.

 Năm 2023, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia Lan tiêu thụ gần 9.000 lít nước mắm.

Năm 2023, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia Lan tiêu thụ gần 9.000 lít nước mắm.

“Hiện nay, chúng tôi đang tập trung vào công đoạn khuấy đảo, chiết rót nước mắm và làm chả mực để cung cấp cho các điểm bán. Năm 2023, nhờ được khách hàng ưa chuộng, chúng tôi đã tiêu thụ hơn 5 tấn chả mực và gần 9.000 lít nước mắm. Với mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và chú trọng mở rộng thị trường”, ông Nguyễn Văn Gia – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia Lan chia sẻ.

Được biết, lũy kế đến nay, trên toàn tỉnh có 337 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó hiện 222 sản phẩm đang còn hiệu lực chứng nhận OCOP, 59 sản phẩm hết giá trị sử dụng chứng nhận OCOP đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá công nhận lại và 56 sản phẩm không đánh giá, công nhận lại.

 

Những đơn hàng "khai xuân" là động lực để các cơ sở đẩy mạnh sản xuất từ đầu năm, thực hiện mục tiêu năm 2024.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh, nhiều cơ sở đã đầu tư máy móc trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi tích cực về bao bì, mẫu mã và chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm đều tăng lên, bình quân tăng 40% so với trước đó. Các cơ sở OCOP cũng đã tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động trực tiếp với mức lương 4 - 6 triệu đồng/tháng/người và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp.

Thời gian tới, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở phát triển mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, liên kết sản xuất giữa các cơ sở OCOP, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nhất là trên các nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP.