Công nghệ sinh học - công cụ phát triển nông nghiệp bền vững
Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, hiện nay, công nghệ sinh học là một trong 4 lĩnh vực khoa học công nghệ được tỉnh ta ưu tiên đầu tư phát triển, ứng dụng vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật, sản phẩm chế biến nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty nghiên cứu và phát triển sản phẩm Tây Bắc, thành phố Sơn La.
Công nghệ sinh học là lĩnh vực công nghệ cao, dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật, nhằm tạo ra các công nghệ khai thác hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được năng suất cao và ổn định, hình thành được những chuỗi liên kết, song chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng… trong cây trồng, chăn nuôi, dẫn đến tồn dư hóa chất trong nông sản lớn. Công nghệ chế biến thô sơ, dẫn đến chất lượng thành phẩm chưa cao, hao hụt nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ sinh học được coi là công cụ quan trọng, then chốt, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn. Thông qua các đề tài khoa học và công nghệ, tỉnh đang tập trung vào một số nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ sinh học, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm.
Khu Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, là đơn vị điển hình hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và đưa tiến bộ công nghệ sinh học vào phục vụ sản xuất. Đến nay, đơn vị đã đưa vào trồng thử nghiệm nhiều loại giống mới năng suất, chất lượng cao, như: Lan Hồ điệp, nho không hạt, dưa lê vàng lai, ớt chuông, nấm hương, hoa cát tường...; nghiên cứu các loại chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn; hợp tác hoàn thiện quy trình nhân giống lan Kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô...
Bà Trần Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chia sẻ: Lan Kim tuyến là loại dược liệu có giá trị kinh tế cao, tác dụng điều trị ung thư, chống suy nhược thần kinh, kháng khuẩn... Do số lượng ít, bị khai thác tận thu, ngày càng khan hiếm, nên lan Kim tuyến được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu thử nghiệm trồng trên giá thể. Đến nay, đã hoàn thiện quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, nhân giống thành công 10.000 cây lan Kim tuyến và đưa ra vườn ươm, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Trung tâm sẽ chuyển giao cho nhân dân, doanh nghiệp, để phát triển trồng lan Kim tuyến thương phẩm, góp phần bảo tồn giống, nâng cao thu nhập từ loại cây này.
Bên cạnh việc đưa các giống mới, tăng năng suất, trong lĩnh vực trồng trọt, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong kỹ thuật ghép cải tạo, sản xuất trái vụ, rải vụ. Đến nay, toàn tỉnh đưa vào sản xuất bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau, kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất chất lượng, gồm: 4 giống mía, 19 giống ngô, 5 giống lúa, 2 giống chè, 1 giống cà phê, 20 giống cây ăn quả; ghép cải tạo trên 13.000 ha cây ăn quả với các giống chủ yếu: Nhãn (chín muộn, miền), xoài (GL4, GL6, Thái Lan), bơ (Booth 7), cam (Cao Phong, Vinh), hồng (MC1, Thái Lan), đào (Pháp, Mỹ)...
Trong nuôi trồng thủy sản, việc ứng dụng công nghệ sinh học phát triển nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện triển khai rộng rãi; một số đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh sản xuất cá giống thành công bằng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây, ứng dụng phương pháp lai xa hoặc sử dụng hóa chất tạo giống đơn tính, chất lượng cao... Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu, phối giống nhân tạo cho bò cái bằng tinh của giống bò chất lượng cao (Brahman); xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, chế phẩm sinh học, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; sử dụng men vi sinh hoạt tính trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô hộ gia đình.
HTX Nông nghiệp Sơn La, huyện Mai Sơn, thành lập tháng 12/2021 với ngành nghề chính là nuôi bò 3B. Anh Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX, cho biết: HTX có 4 trang trại tại xã Cò Nòi, Chiềng Mung, nuôi 800 con bò 3B, nên lượng chất thải nhiều. Vì vậy, HTX ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, tiết kiệm đầu tư chi phí từ phân bón, bảo vệ môi trường. Toàn bộ chất thải chăn nuôi đưa vào xử lý vi sinh, ủ cùng bã cà phê, vỏ sắn để nuôi trùn quế, nước thải chăn nuôi sau khi được xử lý dùng tưới cỏ. Trùn quế sử dụng nuôi ba ba, lợn rừng và sản xuất phân bón hữu cơ. Ngoài cung cấp hàng trăm tấn thịt bò thương phẩm ra thị trường, mỗi năm, HTX cung cấp khoảng 3.000 tấn phân bón hữu cơ trùn quế cho các cơ sở trồng rau sạch, cây ăn quả, cây cảnh.
Với những lợi ích nhiều mặt, công nghệ sinh học ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, được coi là giải pháp mang tính đột phá, nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, xanh, bền vững.