Cùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Thời gian qua, các ngành, đơn vị, địa phương chức năng đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ngăn chặn khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh khá chặt chẽ, đạt kết quả khả quan.
Đến nay, nhiều hộ dân đã tự giác, tự nguyện giao nộp được 1.659 bộ dụng cụ kích điện mang tính khai thác hủy diệt; vận động được 66.122 hộ dân ký cam kết “Không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác nguồn lợi thủy sản ở tất cả các vùng nước”.
Người dân tự giác giao nộp dụng cụ kích điện tại Trạm Kiểm ngư thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời.
Các đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác của các tổ chức, cá nhân về hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển và khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn.
Gần đây, vào ngày 13/9, từ nguồn tin tố giác của quần chúng, lực lượng chức năng Phường 8, TP Cà Mau đã bắt quả tang đối tượng Lâm Quốc Thái (sinh năm 1992, ngụ tại Khóm 6, Phường 8) có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản tại địa bàn Khóm 5, Phường 8, thu giữ 1 xuồng máy (composite), 1 máy nổ và bộ kích điện.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã phát động nhiều phong trào, mô hình hay, thiết thực liên quan việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: "Tổ phụ nữ không khai thác cá non", "Tổ phụ nữ không buôn bán cá non", "Tổ phụ nữ vận động người thân trong gia đình không dùng dụng cụ xiệt cá", "Tổ phụ nữ vận động người thân nói không với khai thác thủy sản có tính hủy diệt"... Ðây được xem là những giải pháp quan trọng trong việc tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản.
Hiện nay, tình trạng buôn bán cá non vẫn còn tái diễn tại các điểm chợ, ngành chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý hành vi này. (Ảnh chụp lúc 8 giờ ngày 7/9, tại chợ Phường 8, TP Cà Mau).
Ðã có 2 huyện xây dựng tổ cộng đồng quản lý chống khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính tận diệt, hủy diệt, với 73 tổ, 738 thành viên (huyện Ðầm Dơi có 71 tổ, 653 thành viên; huyện U Minh 2 tổ, 85 thành viên).
Huyện Ngọc Hiển cũng chọn 7 điểm dự kiến xây dựng tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản; Chi cục Thủy sản cũng đã thành lập được 1 tổ quản lý bảo vệ và khai thác khu vực thả rạn nhân tạo, với 15 thành viên tham gia canh giữ, quản lý khu vực thả rạn nhân tạo.
Có thể thấy, việc thực hiện Chỉ thị số 17 đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong Nhân dân, nhiều hộ dân đã tự nguyện giao nộp các thiết bị xiệt điện tận diệt nguồn lợi thủy sản; tình trạng sử dụng chất nổ, sử dụng xung điện, chất độc để khai thác thủy sản đã giảm, nhiều chủ tàu, người dân trước đây sử dụng thuốc nổ, xung điện để khai thác đã chuyển đổi nghề khác...