'Đặc sản' OCOP muốn ra thế giới phải định vị được thương hiệu
Mỗi sản phẩm OCOP như một đại sứ của vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn.
Thời gian qua, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với liên kết chuỗi của các địa phương, góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất.
Danh mục các sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường, tăng trưởng về doanh thu...
Tính đến hết tháng 10 năm 2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo thống kê, có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận.
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm OCOP đã được nâng cao và cải thiện rất nhiều, đặc biệt là việc ứng dụng các công nghệ. Mẫu mã cũng như bao bì sản phẩm đã được cải thiện rõ rệt.
Về mặt thương mại, các sản phẩm OCOP giai đoạn đầu, chủ yếu tập trung tại các thị trường nội địa, trong tỉnh hoặc là ở huyện. Nhưng hiện nay, rất nhiều sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường cả nước và đã có những sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường thế giới.
Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương được quảng bá rộng rãi trên thế giới
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhìn nhận: "Trước đây chúng ta chỉ nghĩ đến các sản phẩm có thế mạnh như là gạo hay là các loại hạt. Nhưng đến nay, kể cả những sản phẩm đặc sản như là mắm tôm, trong năm 2023, mắm tôm Lê Gia đã xuất khẩu sang Nhật, Úc; hay là miến dong của Bình Liêu cũng sắp xuất khẩu sang châu Âu và châu Úc. Như vậy là các sản phẩm đã thực sự là Đại sứ và đặc sản truyền thống của Việt Nam đã bắt đầu được bạn bè thế giới chấp nhận với tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP. Điều đó cho thấy sự thay đổi căn bản về mặt chất lượng cũng như là việc các sản phẩm OCOP đáp ứng được".
Từ một sản phẩm của một vùng đất nghèo, chè Suối Giàng đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang trên lộ trình phấn đấu lên 5 sao, có chứng nhận Eocert, tiêu chuẩn Organic của châu Âu, có chỉ dẫn địa lý, có mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất... ông Đào Đức Hiếu - Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cũng chia sẻ kinh nghiệm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của mình. Đó là ngoài kênh phân phối truyền thống, trà shan tuyết Suối Giàng còn tham gia các kênh như trải nghiệm khách hàng, thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, hay đưa vào khách sạn 5 sao, hệ thống sân bay... Bên cạnh đó, bao bì sản phẩm cũng được chú trọng, mỗi một hộp trà đều có một lá cờ đỏ sao vàng và một dòng chữ là "Teabrand in Vietnam".
Đại diện một công ty xuất nhập khẩu vải thiều ở Thanh Hà, Hải Dương chia sẻ công ty đã đưa các sản phẩm vải thiều lên các sàn thương mại điện tử ocop.com.vn, Shopee, Lazada, Voso... Nhờ đó, khách hàng biết đến nhiều hơn, lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Những đơn đặt hàng vải thiều Thanh Hà không chỉ đến từ những địa phương lân cận, mà còn đến từ các tỉnh phía nam, từ những đơn hàng 50kg cho đến những đơn hàng cả trăm kg của các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu. Thời gian qua, thương hiệu vải thiều Thanh Hà cũng đã chinh phục nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore...
Với lợi thế về giá trị, chất lượng, nét đặc sắc, yếu tố văn hóa bản địa... việc tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là khi ra thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) chia sẻ, một trong những điểm yếu của các sản phẩm OCOP là khâu đóng gói, nhận diện thương hiệu. Hiện, phần lớn sản phẩm OCOP là các sản phẩm nông sản, xuất phát từ khu vực nông thôn nên còn hạn chế trong khâu thiết kế hình ảnh sản phẩm, kể một câu chuyện về sản phẩm. Bên cạnh đó, khả năng bảo quản, vận chuyển cũng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, theo ông Nguyễn Thế Anh, các chủ thể OCOP và sản phẩm OCOP nên tập trung vào khâu đóng gói, bao bì mẫu mã và xây dựng thương hiệu.
Ngoài ra, ông Tiến cho rằng đối với sản phẩm OCOP có 3 vấn đề mang tính mấu chốt. Đó là chất lượng, căn cứ vào việc ứng dụng khoa học công nghệ; mẫu mã và bao bì phải đáp ứng được cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế; tập trung vào xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ và cùng với đó triển khai các chương trình về thương hiệu.
"Ví dụ, sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ ở Hà Giang hay Yên Bái, cách chế biến trước đây chỉ phù hợp với thị trường trong nước. Khi đưa ra thị trường thế giới phải chế biến thành sản phẩm cao cấp, như hồng trà, bạch trà, hoàng trà, có giá 1,5 triệu, 2 triệu hoặc có thể là 10 triệu đồng để định vị thương hiệu, gia tăng giá trị và phù hợp với xu hướng, nhu cầu", ông Tiến nêu.
Cùng với đó, người bán nên kết hợp giữa trải nghiệm trực tiếp và livestream giới thiệu sản phẩm. Gắn sản phẩm với câu chuyện văn hóa, truyền thống và nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm để người dùng trải nghiệm, đưa sản phẩm OCOP đi xa hơn.
Nguồn: baomoi.com