Đắk Lắk có thêm 17 sản phẩm OCOP được xếp hạng
Đa số các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP ngày càng đậm bản sắc địa phương, có thể vừa tạo kinh tế cho doanh nghiệp, vừa quảng bá hình ảnh địa phương.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoài Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng OCOP tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị.
Trong hai ngày 9 và 10/4, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hội nghị đánh giá, chấm điểm, phân hạng những sản phẩm đạt OCOP đợt I năm 2024.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoài Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng OCOP cấp tỉnh chủ trì hội nghị.
Trong đợt này, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk đánh giá, chấm điểm 22 sản phẩm của 11 chủ thể ở 6 địa phương gồm: Huyện Cư Mgar, Ea Kar, Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Năng và thành phố Buôn Ma Thuột.
Sau khi xem xét, đánh giá hồ sơ các sản phẩm, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã chọn được 17 sản phẩm để xếp hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, có 15 sản phẩm đạt từ 78,66 đến 83,54 điểm được công nhận sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao là Cà-phê Chồn Kiên Cường của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kiên Cường, thành phố Buôn Ma Thuột đạt 95,64 điểm và Hạt mắc-ca Đắk Lắk cao cấp của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, huyện Krông Năng đạt 100/100 điểm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoài Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng OCOP tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng OCOP cấp tỉnh cho biết, những sản phẩm đạt 4 sao, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh sẽ trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định công nhận. Đối với 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, Hội đồng sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để nghị Trung ương ra quyết định công nhận.
Trên cơ sở kết quả xếp hạng các sản phẩm OCOP đợt này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, đơn vị tư vấn, các chủ thể tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và khắc phục những tồn tại đã được chỉ ra trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành quyết định công nhận.
Các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ các chủ thể tích cực tham gia chương trình theo đúng chu trình OCOP nhằm bảo đảm các sản phẩm khi được đánh giá đạt sao phải có chất lượng và được thị trường tiếp nhận.
Theo đánh giá của Hội đồng OCOP tỉnh Đắk Lắk, qua hơn 6 năm triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Đắk Lắk đã có 237 sản phẩm OCOP, tăng 152 sản phẩm so với năm 2022, gồm: 223 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm 4 sao. Năm 2024, Hội đồng OCOP cấp tỉnh sẽ đánh giá, phân hạng cho 44 bộ hồ sơ sản phẩm tiềm năng 4 sao do địa phương đề nghị.
Đa số các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP ngày càng đậm bản sắc địa phương, có thể vừa tạo kinh tế cho doanh nghiệp, vừa quảng bá hình ảnh địa phương.
Bộ sản phẩm Cà-phê Chồn Kiên Cường của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kiên Cường, thành phố Buôn Ma Thuột đạt 95,64 điểm, là sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng, mẫu mã, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP kết nối cung cầu, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường.
“Để tiếp tục tạo lợi thế cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương, cùng với việc nâng cao chất lượng, mẫu mã, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP kết nối cung cầu, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực phối hợp Sở Công thương đưa các nông sản bảo đảm tiêu chuẩn đưa ra thị trường trong nước và quốc tế thông qua việc tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, tổ chức các đoàn quảng bá giới thiệu sản phẩm để đưa sản phẩm nông sản của tỉnh Đắk Lắk vươn ra các thị trường tiềm năng còn nhiều thị phần...”, ông Nguyễn Hoài Dương chia sẻ.