Đắk Nông đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Với những tiềm năng, lợi thế của mình, Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn.
Nhiều thế mạnh
Đắk Nông có tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp lớn, hiện đạt trên 309.397ha. Trong đó, diện tích cây công nghiệp, cây lâu năm là 235.200ha, cây hàng năm là gần 74.000ha.
Tỉnh đã xác định và xây dựng thành công các vùng nguyên liệu lớn về 4 cây trồng chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Tỉnh xây dựng vùng chăn nuôi quy mô lớn gồm heo, bò, gia cầm.
Đắk Nông phát triển được 23 sản phẩm, ngành hàng thế mạnh, trong đó có cà phê
Tỉnh phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng với năng suất và chất lượng ngày càng cao, dần khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đắk Nông thành lập được 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) với diện tích 120ha, công nhận 4 vùng NNƯDCNC với quy mô 2.423ha với các loại cây chủ lực như hồ tiêu, cà phê, lúa.
Tỉnh hiện có 392 trang trại chăn nuôi, đã hình thành được 7 chuỗi liên kết tạo đầu ra sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp tục thu hút đầu tư
Những năm qua, UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 54 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thuộc các lĩnh vực như chế biến nông, lâm sản, chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây công nghiệp.
Tổng vốn đầu tư của các dự án 4.084 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2023, cơ quan chuyên môn đã tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 7 dự án, tổng mức vốn đầu tư 688 tỷ đồng.
Đắk Nông tổ chức và tham gia nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh có lồng ghép giới thiệu, quảng bá các nhóm ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh, như cà phê, ca cao, mắc ca.
Đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh trên các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, trồng trọt, chăn nuôi, du lịch, khu nghỉ dưỡng…
Đắk Nông tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện còn gặp một số khó khăn như đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, nguồn lực tài chính phục vụ đầu tư ứng dụng các công nghệ tiến tiến vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.
Tỉnh vẫn thiếu doanh nghiệp đầu tàu lớn làm nhiệm vụ mở đường, dẫn dắt trong chuỗi giá trị sản phẩm có tính đặc trưng, nổi trội nên việc tiếp cận các kênh phân phối, bán hàng hiện đại khó khăn.
Để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh đang tập trung vào một số nhóm giải pháp chính về xây dựng danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư phù hợp định hướng phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Tỉnh bảo đảm các điều kiện khi nhà đầu đến triển khai được ngay, cụ thể như dự án đầy đủ thông tin, nguồn gốc đất đai rõ ràng, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đắk Nông đẩy mạnh công tác quảng bá thông tin giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh và cơ hội đầu tư của tỉnh Đắk Nông đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Các cấp, ngành tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo quy trình một cửa, một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng.
Đắk Nông đang xây dựng chính sách ưu tiên cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Liên quan đến nội dung này, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đắk Nông huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo đúng các chủ trương, chính sách hiện hành của Nhà nước.
Tỉnh xem xét ban hành một số chính sách đặc thù về nông nghiệp của tỉnh như về phát triển NNƯDCNC, chăn nuôi gia súc quy mô lớn an toàn sinh học, chính sách hỗ trợ chế biến các loại cây trồng chủ lực theo chuỗi giá trị.
Các ngành, địa phương sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để hoàn thiện, đồng bộ các công trình hạ tầng cơ bản, nhất là giao thông, điện, nước sạch.