Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'
Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Đề án), tỉnh làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin, tuyên truyền. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh sản xuất.
Triển khai Đề án, tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo và các tổ chức chính trị - xã hội; gắn thực hiện Đề án với các chương trình, phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức nhằm vận động các đoàn viên, hội viên, người lao động thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý. Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn các tổ chức thành viên tiếp tục cụ thể hóa nội dung Đề án; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên ưu tiên sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Các cấp, ngành tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên ưu tiên sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp của tỉnh và trong nước sản xuất. Cùng với tuyên truyền, vận động, công tác quản lý nhà nước được các sở, ngành, địa phương tăng cường, góp phần hạn chế tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong tỉnh đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ năm 2021 đến nay, các cấp, ngành vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn ký 833 lượt cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật về không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, kinh doanh tại khu vực xung quanh cổng trường học; chấp hành pháp luật thương mại, dịch vụ và văn minh thương mại. Cấp phát 82.210 tờ rơi tuyên truyền về an toàn thực phẩm, pháp luật về chống hàng giả, gian lận thương mại, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…
Tỉnh tập trung xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội kết nối giao thương, tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Đẩy mạnh cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tập trung phát triển kênh phân phối hàng hóa Việt thông qua hệ thống siêu thị, chợ, điểm bán lẻ đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng và đăng ký với Bộ Công thương 2 đề án về xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam”.
Khách hàng tìm hiểu và mua các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của tỉnh.
Tổ chức 29 hội chợ, phiên chợ với trên 2.000 gian hàng, thu hút hơn 1.900 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở SXKD hàng Việt Nam và hàng hóa của tỉnh tham gia. Tạo điều kiện cho hơn 200 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở SXKD tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm tiềm năng xuất khẩu, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh tại các hội nghị, chương trình kết nối cung cầu sản phẩm, hội chợ triển lãm thương mại trong nước. Hỗ trợ xây dựng 42 gian hàng với 166 sản phẩm trên Cổng thông tin giao dịch thương mại điện tử tỉnh (caobangtrade.vn). Hỗ trợ 9 hợp tác xã tham gia phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ 20 chủ thể hơn 80.000 túi đựng sản phẩm; tổ chức 47 lớp tập huấn cho 1.940 lượt công chức, viên chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở SXKD, đồng bào dân tộc về thương mại điện tử, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên Internet...
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cấp, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong SXKD, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Từ năm 2021 đến nay, các lực lượng chức năng tổ chức 1.998 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 772 vụ vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, xử phạt và xử lý hàng hóa vi phạm nộp ngân sách Nhà nước hơn 8,4 tỷ đồng… Người dân các địa phương phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Đề án trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nông Văn Khương cho biết: Việc triển khai Đề án tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đa số người tiêu dùng trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Xây dựng thói quen sử dụng hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hướng đến lựa chọn những mặt hàng trong nước sản xuất có chất lượng cao, giá cả phù hợp cũng như những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh.
Vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tổ chức các cuộc gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư SXKD của doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình SXKD hiệu quả, tiên tiến, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào phục vụ SXKD. Đẩy mạnh các hình thức hợp tác liên kết phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Nhân rộng chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi để cung ứng ra thị trường các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 có 90 - 95% hàng thiết yếu có xuất xứ Việt Nam được kinh doanh, bày bán tại chợ, siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. 90 - 100% cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh tham gia phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, đồng thời cam kết thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chống buôn lậu, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bán hàng có niêm yết. Mỗi huyện, Thành phố có ít nhất 1 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm của địa phương, có ít nhất 5 sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng OCOP phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Đa dạng hóa hơn nữa các hình thức hỗ trợ các cơ sở SXKD hàng hóa thế mạnh của tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước.