Đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm dừa sáp
Trà Vinh là tỉnh có diện tích dừa khá lớn, với 27.359ha, trong đó dừa sáp khoảng hơn 1.000ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Cầu Kè. Đặc biệt, dừa sáp và các sản phẩm chế biến từ dừa sáp đã và đang được tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư xuất khẩu sang các nước có yêu cầu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Đồng chí Thạch Thị Khonc Thi, Công chức Nông nghiệp xã Long Đức trao đổi kỹ thuật trồng dừa sáp với nhà vườn Kiên Nhu.
Dừa sáp được nổi danh và trở thành hàng hóa chủ lực của huyện Cầu Kè, đây là địa phương có liên kết ổn định với các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè.
Thời gian qua, huyện Cầu Kè phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ máy sấy, máy sên kẹo cho Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ Công ty xây dựng thương hiệu sản phẩm dừa sáp tại Ấp 2, xã Thạnh Phú với 11 sản phẩm OCOP từ dừa sáp được công nhận, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao (dừa sáp sợi Vicosap), 03 sản phẩm 4 sao, tiềm năng 5 sao (kẹo dừa sáp vị nguyên chất, kẹo dừa sáp vị lá dứa, kẹo dừa sáp vị ca cao), 07 sản phẩm 4 sao (dừa sáp hút chân không, dừa sáp sấy giòn tan, sữa chua dừa sáp Vicosap giòn tan, kẹo chuối gân Vicosap, bánh Vicosap dừa sáp và khoai lang, bánh Vicosap dừa sáp và bí đỏ, bánh Vicosap dừa sáp và chuối.
Hiện Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè đã sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, phân phối, kinh doanh các sản phẩm (bán sản phẩm qua kênh thương mại điện tử: Sendo, Lazada, có trang web riêng Shopee mail và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã đang tải trên các ứng dụng zalo, facebook,… để giới thiệu và bán hàng).
Nhiều năm qua, dừa sáp là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Cầu Kè nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Từ chỗ trồng nhỏ lẻ, rải rác và thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng dừa sáp. Đến nay, Cầu Kè có 2.034 hộ trồng dừa sáp với khoảng 171.468 cây. Sản lượng dừa sáp trung bình trên 03 triệu trái/năm, hiệu quả kinh tế mang lại gấp 03 - 04 lần so với trồng cây dừa thường.
Cầu Kè có 01 hợp tác xã (HTX) dừa sáp Hòa Tân với 43 thành viên. Hiện HTX có hơn 32ha trồng dừa sáp, diện tích được chứng nhận VietGAP 25,2ha, OCOP 4 sao và là 01 trong 12 HTX thí điểm mô hình HTX kiểu mới. HTX tiếp tục gia hạn chứng nhận VietGAP (2022 đến tháng 5/2025). Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX năm 2023 với doanh thu trên 170 triệu đồng.
Thời gian qua, Cầu Kè tập trung quy hoạch lại vùng chuyên trồng dừa sáp tập trung ở các xã Hòa Tân, Hòa Ân, Phong Phú, Tam Ngãi, An Phú Tân. Phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng thực hiện mã số vùng trồng và VietGAP trên cây dừa cho HTX Hòa Tân. Đồng thời, triển khai các Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 98/2019/NQ-HĐND, ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh trên cây dừa sáp.
Thời gian tới, Cầu Kè tiếp tục hỗ trợ liên kết giữa HTX, doanh nghiệp và các hộ dân có nguồn nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp, HTX cũng như tạo đầu ra ổn định cho nhà vườn trồng dừa sáp trên địa bàn huyện, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Ngày nay, không chỉ riêng vùng đất Cầu Kè sản xuất được cây dừa sáp, một số địa phương khác trong tỉnh như Châu Thành, Tiểu Cần, thành phố Trà Vinh… đã trồng thành công cây dừa sáp và dừa sáp cấy phôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như xã Long Đức là xã vùng ven của thành phố Trà Vinh, những năm gần đây ngoài sản xuất hoa kiểng các loại, người dân trong xã tập trung phát triển cây dừa với diện tích 900ha, trong đó có 10ha dừa sáp; 300ha dừa được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ.
Nông dân Kiên Nhu, ấp Sa Bình, xã Long Đức là một trong những hộ dân đã chuyển đổi thành công cây dừa sáp trồng trên đất lúa kém hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Ông Nhu cho biết: khoảng 10 năm trước, kinh tế gia đình phụ thuộc vào trồng lúa 03 vụ/năm, năng suất thấp, giá bán bấp bênh, lợi nhuận không cao. Do đó, ông mạnh dạn chuyển 0,5ha đất lúa sang trồng dừa sáp, lợi nhuận gấp 10 lần so với cây lúa. Hiện dừa sáp hàng tháng cho trái thu nhập từ 05 - 06 triệu đồng, có tháng dừa cho trái sáp nhiều nên thu nhập tăng lên 07 - 08 triệu đồng. Mỗi cây dừa chỉ cho từ 02 - 03 trái sáp, giá bán 100.000 đồng/trái dừa sáp loại 1.
Ngoài dừa sáp, ông còn có nguồn thu từ dừa khô, với giá bán 65.000 đồng/chục (12 trái). Tổng thu nhập dừa sáp và dừa khô bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, ông trồng xen cây xoài và các loại cây có múi nhằm tăng thêm thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt và phân bón cho cây dừa sáp.
Theo đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024 Sở chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ làm rõ tiêu chí về “Sở hữu trí tuệ” trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định số 148/QĐ-TTg, ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất nội dung và giải pháp để các sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao, 5 sao đáp ứng yêu cầu tiêu chí ở mức cao nhất. Do đó, Sở phối hợp với các sở, ngành tỉnh và địa phương thực hiện các giải pháp, tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp, HTX với các hộ trồng dừa.
Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa sáp từ nay đến năm 2025, Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 - 2025 phát triển khoảng 550ha dừa sáp đặc sản; mở rộng và cải tạo 3.000ha vườn dừa bị lão hóa; đến năm 2025, năng suất dừa đạt 16 tấn/ha; có ít nhất 8.000ha dừa theo hướng hữu cơ; ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất dừa xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ theo chuỗi sản xuất dừa có giá trị cao.